Nhiều dư địa cho xuất khẩu thủy sản

THANH TIẾN – NGUYÊN DU 25/09/2023 06:59

Trong 8 tháng, nhóm hàng thuỷ sản xuất khẩu đạt hơn 5,6 tỷ USD, giảm hơn 25% so với cùng kỳ. Đến thời điểm này, tuy mức giảm có dấu hiệu cải thiện, nhưng một số doanh nghiệp xuất khẩu tôm cho biết, thị trường vẫn còn nhiều khó khăn.

Công nhân đang xử lý tôm để xuất khẩu.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), tháng 8/2023, xuất khẩu tôm đạt 337 triệu USD (giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái). Lũy kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đạt 2,2 tỷ USD (giảm 28% so với cùng kỳ). Xu hướng xuất khẩu tôm sang các thị trường trong tháng 8 vẫn tương tự xu hướng của tháng 7.

Tuy nhiên, xuất khẩu sang 2 thị trường Mỹ và Trung Quốc vẫn tăng trưởng dương. Cùng với đó, xuất khẩu sang các thị trường như Australia, Thụy Sỹ ghi nhận tăng trưởng từ 3%-51%. Với những dấu hiệu tích cực, Vasep dự báo xuất khẩu cá tra có thể mang về doanh số 1,8-1,9 tỷ USD; tôm ước đạt 3,6 tỷ USD và các mặt hàng hải sản sẽ đạt khoảng 3,5 tỷ USD.

“Đối với những thị trường Mỹ xuất khẩu có cải thiện nhưng chưa thật sự khởi sắc. Những công ty xuất khẩu sang châu Âu gặp khó do hiện tại giá tôm dao động từ 5,6-5,7 USD/kg. Trong khi đó tôm của Ecuador thấp hơn nên cạnh tranh cũng khá gay gắt” - ông Cao Chí Nhã - Phó Giám Công ty TNHH MTV Chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Thiên Phú nhận định, đồng thời cho biết thêm, thị trường Trung Quốc có tín hiệu tích cực, liên tục tăng nhập khẩu tôm của Việt Nam thời gian gần đây.

Các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản cho biết, mặc dù hàng tồn kho của một số quốc gia đối thủ chính của tôm Việt Nam như Ecuador và Ấn Độ còn ở mức khá cao, nhưng chủ yếu là hàng sơ chế. Do đó hàng chế biến sâu vốn là lợi thế của ngành tôm Việt Nam có điều kiện thuận lợi để bứt phá.

“Từ quý III, tình hình tiêu thụ tôm có dấu hiệu khả quan do tới gian đoạn chuẩn bị hàng cho nhu cầu lễ hội cuối năm. Tuy nhiên, áp lực tồn kho ở Ecuador còn lớn nên giá chưa cải thiện. Giai đoạn này mảng dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi...) có nhu cầu tăng cũng là lợi thế cho tôm chế biến sâu của Việt Nam. Tuy đã rút ngắn dần khoảng sụt giảm so cùng kỳ, nhưng do 6 tháng đầu năm giảm mạnh (giảm trên 30% so cùng kỳ) nên khả năng hết năm mức kim ngạch xuất khẩu tôm đạt khoảng 85-90% so năm 2022” - ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thực phẩm Sao Ta chia sẻ.

Nói về tình hình xuất khẩu tôm những tháng cuối năm, ông Võ Văn Phục - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Vina Cleanfood) cho rằng tình hình xuất khẩu tôm tiếp tục khó khăn nhưng không đến mức quá nghiêm trọng.

“Các doanh nghiệp có thương hiệu xuất khẩu tuy giảm nhưng vẫn có lời. Mặc dù vừa rồi Chính phủ có đưa ra gói tín dụng lãi suất thấp, thậm chí tỷ giá cũng hỗ trợ xuất khẩu nhưng giá xuất khẩu tôm vẫn chưa thật sự khởi sắc. Thông thường xuất khẩu tôm sẽ khởi sắc từ cuối quý III trở đi” - ông Phục cho hay.

Cùng với tôm thì một số thị trường đang mở ra cơ hội cho các mặt hàng thủy sản của Việt Nam. Hiện tại, giá xuất khẩu tôm bắt đầu tăng từ 7.000 - 22.000 đồng/kg tùy loại. Nhu cầu mua cá tra cũng bắt đầu tăng. Việc cần làm lúc này của các doanh nghiệp là duy trì lực lượng lao động có tay nghề cao, đủ khả năng đáp ứng yêu cầu sản xuất cho giai đoạn phục hồi.

Theo Vasep, tháng 8/2023, xuất khẩu thủy sản sang nhiều thị trường đều đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Đây là tín hiệu cho thấy thủy sản xuất khẩu đang trở lại đường đua và sẽ dần tăng tốc trong những tháng cuối năm. Nhiều doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh sản xuất để chuẩn nguồn cung cho các thị trường.

THANH TIẾN – NGUYÊN DU