Kinh tế

Chính sách thiết thực cho đồng bào nghèo miền núi

T.S 02/10/2023 13:46

Huyện Đồng Hỷ là một trong những địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cao tại tỉnh Thái Nguyên. Số hộ là đồng bào DTTS chiếm tới 54,28% dân số.

Những năm qua, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã đến được tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên). Nguồn vốn ưu đãi này đã giúp hàng nghìn hộ đồng bào DTTS nơi đây phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên thoát nghèo.

Xóm Cao Phong, xã Hợp Tiến có 375 hộ dân thì có tới 90% là đồng bào dân tộc Dao, cuộc sống của bà con chủ yếu trông vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Trước đây, người dân trong xóm chỉ chú trọng phát triển kinh tế theo kiểu tự sản tự tiêu, không có điều kiện tích lũy, không có vốn nên chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm còn thấp. Cuộc sống khó khăn quanh năm.

Những năm gần đây, nhờ được tạo điều kiện vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) với lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Gia đình anh Dương Văn Quyết là gia đình có hoàn cảnh khó khăn, vợ con nheo nhóc, sau khi đi học nghề mộc anh vốn từ NHCSXH huyện và vay thêm anh em bạn vè để tôn tạo nhà cửa, mở cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ. Sau vài ba năm, anh đã có thu nhập trang trải cuộc sống gia đình, mua sắm nhiều vật dụng sinh hoạt, xây dựng nhà khang trang hơn. Năm 2019, gia đình anh đã thoát nghèo và từ năm 2021 không còn là hộ cận nghèo. Hiện nay, gia đình anh đã có điều kiện mua thêm xe ô tô để kinh doanh vận tải.

Tương tự, xã Văn Lăng có trên 70% dân số là đồng bào DTTS, địa hình rộng, dân cư sống rải rác, không tập trung, đi lại khó khăn nên phát triển kinh tế còn hạn chế. Những năm gần đây, thông qua các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác nhiều hội viên được vay vốn NHCSXH để phát triển kinh tế.

Từ các nguồn vốn vay ưu đãi, hội viên đã mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đầu tư chuyển đổi hình thức sản xuất kinh doanh; trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao; chăn nuôi gà, dê, bò, lợn nái, lợn thịt, lợn rừng; xây dựng các mô hình trang trại tổng hợp; trồng cây ăn quả, sửa chữa nhà cửa… Những đồng vốn vay ưu đãi đã góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS, giúp các hộ nghèo và cận nghèo có điều kiện để phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững.

Huyện Đồng Hỷ có số hộ là đồng bào DTTS chiếm tới 54,28% dân số, tập trung ở các xã: Tân Long, Tân Lợi, Văn Lăng, Nam Hoà, Hợp Tiến,… Riêng trong hai năm 2021 - 2022, NHCSXH huyện Đồng Hỷ đã giải ngân các chương trình tín dụng cho trên 4.700 hộ đồng bào DTTS vay vốn, với tổng dư nợ trên 186 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2023, đơn vị đã cho 1.283 hộ vay vốn, với tổng nguồn vốn đạt gần 60 tỷ đồng. Từ nguồn vốn tín dụng này đã giúp các hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách phát triển sản xuất, ổn định thu nhập để vươn lên thoát nghèo.

Công tác triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn huyện Đồng Hỷ được tổ chức đồng bộ, kịp thời. Thông qua các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, NHCSXH huyện đã cho vay đúng đối tượng, đúng nội dung vay, việc giải quyết thủ tục, hồ sơ vay nhanh chóng và hiệu quả. Từ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo DTTS trên địa bàn huyện bình quân 2,3%/năm (năm 2021 giảm 1.776 hộ, năm 2022 giảm 1.411 hộ).

 Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đồng Hỷ đã tổ chức sơ kết hoạt động tín dụng chính sách quý II, triển khai nhiệm vụ quý II năm 2023. Ảnh: thainguyen.gov.vn
Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đồng Hỷ tổ chức sơ kết hoạt động tín dụng chính sách quý II, triển khai nhiệm vụ quý II năm 2023.

Đại diện NHCSXH huyện Đồng Hỷ cho biết, thời gian tới, NHCSXH huyện sẽ tiếp tục ưu tiên cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia đặc biệt là chương trình vay vốn theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

T.S