Phát triển kinh tế -xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi: Gỡ khó để thực hiện thật tốt. Bài 2: Những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn
Chương trình Mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi (MTQG DTTSMN) đã góp phần rất lớn trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Các nguồn lực,chính sách của Chương trình đã và đang tập trung đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh, tập trung vào địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTSMN.
Vốn ngân sách đảm bảo…
Chương trình gồm 10 dự án, 14 tiểu dự án, thực hiện trên địa bàn 51 tỉnh với vốn dự kiến thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 là 137.664,059 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư 50.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 54.323,848 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 10.016,727 tỷ đồng; vốn vay tín dụng chính sách 19.727,02 tỷ đồng; vốn huy động hợp pháp khác 2.967,207 tỷ đồng. Mục tiêu tổng quát của Chương trình là: Giảm nghèo nhanh, bền vững, giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn, sắp xếp ổn định dân cư, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, thu hẹp dần khoảng cách mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả nước...
Vốn ngân sách Trung ương trung hạn và hàng năm của Chương trình đã được phân bổ hết cho các địa phương, đảm bảo theo quy định. Ở địa phương việc phân bổ ngân sách theo đúng tiêu chí, định mức và hướng dẫn của Trung ương. Mặc dù còn nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện, nhưng theo báo cáo của Chính phủ tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số đã giảm, đạt và vượt mục tiêu kế hoạch giao; nhiều chỉ tiêu về hạ tầng, kinh tế - xã hội khác cơ bản đều đạt so với mục tiêu của Chương trình.
Nhờ đồng vốn ngân sách cấp kịp thời mà nhiều địa phương đã triển khai nhanh chóng, giúp đời sống của bà con các dân tộc đổi thay. Câu chuyện ở xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng)- một huyện có gần 52% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống là một ví dụ hay. Nhờ sự quan tâm hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền cùng tinh thần vượt khó vươn lên của đồng bào Khmer mà hiện nay đời sống của bà con ngày càng được nâng lên, diện mạo nông thôn ngày một khởi sắc.
Xã Thuận Hòa từng là xã đặc biệt khó khăn, có tới hơn 70% đồng bào Khmer của tỉnh sinh sống, từ năm 2022 đến nay, nhờ nguồn vốn từ Chương trình MTQG DTTSMN, xã đã xây dựng được một số công trình giao thông nông thôn như đường bê tông và cầu, rộng 3m, chiều dài 2,5km, với tổng kinh phí xây dựng trên 5 tỷ đồng và duy tu bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng, góp phần hỗ trợ địa phương trong việc hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới.
Cũng từ nguồn vốn của chương trình này, năm 2022 cũng đã hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 14 hộ dân và chuyển đổi ngành nghề cho 8 hộ, tổng kinh phí 122 triệu đồng. Trong năm 2023, huyện Châu Thành giao chỉ tiêu cho xã đối với hỗ trợ nhà ở là 38 hộ, chuyển đổi ngành nghề 41 hộ và nước sinh hoạt phân tán 20 hộ.- bà Đặng Thị Diễm Phương, Chủ tịch xã Thuận Hòa cho biết.
Không chỉ Sóc Trăng mà nhiều tỉnh như Yên Bái, Hòa Bình, Gia Lai, nhờ đồng vốn của Chương trình MTQG DTTSMN được triển khai kịp thời và đúng đối tượng đã góp phần tạo "đòn bẩy" để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc.
… Nhưng chưa dễ tiếp cận
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG DTTSMN vẫn còn một số bất cập. Đối với địa phương, công tác lập kế hoạch và phân bổ vốn còn chưa sát với tình hình thực tiễn từng địa phương. Kế hoạch giao vốn cho các địa phương chậm được phê duyệt. Tại địa phương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phải trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt danh mục dự án đầu tư thực hiện các chương trình MTQG. Quy trình thủ tục rườm rà dẫn đến kéo dài thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư và giảm sự linh động trong triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, nguồn vốn giao cho địa phương thực hiện được phân bổ đến từng dự án. Do vậy, các địa phương không chủ động trong công tác ưu tiên nguồn vốn, nguồn lực cho các dự án có nhu cầu ưu tiên, bổ sung vốn thực hiện. Đồng thời không linh hoạt thực hiện việc điều chỉnh nguồn vốn từ các dự án không có khả năng giải ngân vốn sang các dự án có thể triển khai dễ dàng hơn.
Ví dụ, đối với Dự án 1, tại tỉnh Quảng Bình, dự án này thuộc nguồn vốn đầu tư phát triển, nên quá trình thực hiện phải tuân thủ Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng. Theo đó, khi thực hiện dự án phải thực hiện tất cả các khâu, như: Khảo sát thiết kế; dự toán, đấu thầu đến thanh lý quyết toán… Có nghĩa là, mỗi căn nhà được hỗ trợ theo Dự án 1, nếu được thực hiện theo quy trình của nguồn vốn đầu tư công sẽ cần phải có 1 bộ hồ sơ đầy đủ các bước thực hiện của 1 dự án thuộc nguồn vốn đầu tư công như đã thông tin ở trên. Như vậy, cần phải có khoảng vài chục ngàn bộ hồ sơ tương tự trong nội dung hỗ trợ nhà ở cho đối tượng thụ hưởng ở Dự án 1. Do vậy, khi triển khai thực hiện theo quy trình thủ tục đầu tư công đã gặp vướng mắc, bất cập cần được tháo gỡ kịp thời.
Bên cạnh đó, nội dung hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất là nguồn vốn đầu tư nhỏ lẻ, liên quan trực tiếp đến người dân và chủ yếu do mỗi gia đình thuộc đối tượng thụ hưởng thực hiện. Việc giải ngân theo quy trình của nguồn vốn đầu tư phát triển là không phù hợp, khó triển khai.
Mặt khác, khi thực hiện theo các quy định của nguồn vốn đầu tư phát triển sẽ không thể huy động thêm các nguồn lực khác để thực hiện dự án. Đây chính là "điểm nghẽn" lớn khiến nhiều địa phương chưa thể triển khai nội dung, chưa thể giải ngân để phát huy hiệu quả nguồn ngân sách đã được phân bổ về địa phương.
Hay đối với Dự án 2 về “Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết”, tỉnh Lào Cai đang rất vướng vì nội dung Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành còn mang tính chung chung, không cụ thể hóa được nội dung hỗ trợ, định mức hỗ trợ, nội dung quy trình thực hiện. Từ đó, dẫn đến khó khăn, lúng túng cho các cấp, các ngành ở địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện và phải chờ các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể của Bộ, ngành Trung ương.
Còn tại Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, hiện địa phương ông đang khó khăn trong hướng dẫn triển khai nguồn kinh phí hỗ trợ công tác quản lý, kiểm tra, nghiệm thu và lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng; mức chi cho lớp xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS; nguồn vốn hỗ trợ đầu tư có thu hồi vốn thông qua vay vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi đặc biệt để thực hiện các nội dung thuộc tiểu dự án 1, Dự án 9…
Hoặc nhiều hộ dân tại thị xã Đức Phổ, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) được hỗ trợ vốn của tiểu dự án 1, Dự án 3 cho rằng, hỗ trợ sản xuất là cần thiết nhưng không được “cào bằng”; vì chính sự bình quân này đã dẫn đến giảm hiệu quả sản xuất, lại không đảm bảo mục tiêu là tạo sinh kế giúp hộ nghèo phát triển kinh tế.
Ngoài ra, các văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ hay một số điều kiện đặc thù tại các địa phương cũng dẫn đến nguyên nhân giải ngân nguồn vốn chậm, như số liệu kiểm kê đất ở, đất rừng chưa chính xác, hoặc nhiều địa phương sử dụng kết quả từ điều tra dân số cũ dẫn đến công tác lập kế hoạch và phân bổ vốn còn bất cập, chưa sát với tình hình thực tiễn. Đây là những vấn đề phát sinh từ thực tiễn cần được các địa phương rà soát, điều chỉnh kịp thời từ nay đến hết năm 2022 và các năm sau.