Chia sẻ trách nhiệm xã hội cho phát triển ở Việt Nam

N.Anh 26/09/2023 07:08

“Tăng trưởng có trách nhiệm tại Việt Nam” là chủ đề Diễn đàn cựu sinh Australia 3 diễn ra tại Hà Nội, thu hút hơn 200 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến.

Diễn đàn cựu sinh Australia 3 tại Hà nội thu hút hơn 200 đại biểu tham dự.

Vừa qua, 18 diễn giả cựu sinh Australia, hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, có nhiều đóng góp thúc đẩy tăng trưởng có trách nhiệm tại Việt Nam đã cùng chia sẻ hành trình truyền cảm hứng, trách nghiệm xã hội của doanh nghiệp và giáo dục chất lượng, chính sách y tế công cộng, chăm sóc sức khỏe cộng đồng và sử dụng tài nguyên có trách nhiệm.

Gây ấn tượng tại Diễn đàn là những chia sẻ của TS. Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Năng lực Người khuyết tật (DRD), cựu sinh Đại học La Trobe. Chị Yến cho biết, dù kinh tế xã hội của đất nước ta đã những bước phát triển nhanh nhưng nhiều nhóm yếu thế vẫn phải đối mặt với các rào cản khiến họ chưa phát huy hết tiềm năng, vẫn còn đó những thách thức ngăn cản người khuyết tật tiếp cận với giáo dục, cơ hội việc làm, y tế…. Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người khuyết tật, DRD đã áp dụng cách tiếp cận xây dựng năng lực để trao quyền cho người khuyết tật, triển khai mô hình “Cải thiện chất lượng cuộc sống cho các nhóm yếu thế”, với phương pháp phát triển cộng đồng dựa vào nội lực, trao quyền cho người khuyết tật tham gia vào xã hội và chuyển đổi nhận thức khi làm việc với người khuyết tật, từ tư duy làm từ thiện sang hướng tới sự hòa nhập.

Các cựu sinh đã có những đóng góp quý giá cho sự phát triển của Việt Nam cũng như tăng cường hợp tác giữa hai nước Australia - Việt Nam.

“Đẩy mạnh phát triển bền vững du lịch cộng đồng ở huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên” là dự án do Th.S Lý Thị Thuỳ Dương trình bày đã thu hút sự quan tâm của mọi người tham dự. Chị Thuỳ Dương hiện là Giám đốc Văn phòng Chương trình tiên tiến tại Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, cựu sinh Đại học Melbbourne.

Là người dân tộc Nùng, chị Thuỳ Dương luôn trăn trở làm thế nào để tạo sinh kế bền vững cho người dân tộc thiểu số, nhất là phụ nữ ở những vùng xa xôi, hẻo lánh. Nhận thấy du lịch cộng đồng là một cơ hội sinh kế mới nổi ở nơi có nhiều danh lam thắng cảnh hấp dẫn độc đáo cùng sự đa dạng về văn hóa, chị đã cùng cộng sự thực hiện dự án “Đẩy mạnh phát triển bền vững du lịch cộng đồng ở huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên”, thông qua việc tận dụng công nghệ số để quảng bá và thiết kế các tour du lịch sáng tạo. Từ dự án này, người dân địa phương đã được tiếp cận và dần biết cách ứng dụng công nghệ số để quảng bá và quản lý kinh doanh, các sản phẩm du lịch được thiết kế phù hợp hơn với nhu cầu của khách du lịch.

Th.S Lý Thị Thuỳ Dương: “Người dân Võ Nhai đã biết cách ứng dụng công nghệ số để quảng bá du lịch”.

Phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn cũng là điều TS. Nguyễn Thủy Chung, giảng viên Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội, cựu sinh Đại học Công nghệ Sydney quan tâm suốt nhiều năm qua. Tại Diễn đàn, TS Chung chia sẻ về dự án “Cải thiện chất lượng nguồn nước để cải thiện chất lượng cuộc sống người dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang”, xây dựng hệ thống lọc nước bền vững tại các cộng đồng địa phương huyện Mèo Vạc (Hà Giang) - nơi mà thiếu nước sạch luôn là rào cản ngăn sự phát triển bền vững của đồng bào các dân tộc thiểu số tại đây. Hơn 500 giáo viên và học sinh được tập huấn về cách sử dụng và lợi ích của nước sạch để có thể chia sẻ kiến thức với cộng đồng. Dự án đồng thời cung cấp nước sạch cho phụ nữ tại trường học cũng như cộng đồng địa phương và giáo dục cho giáo viên và học sinh nữ về chăm sóc sức khỏe và vệ sinh môi trường.

Phần trình bày của TS. Văn Đình Tráng, Trưởng Khoa Xét nghiệm lâm sàng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cựu sinh Đại học Sydney thú hút sự chú ý bởi nhiều thông tin hữu ích về vấn đề “Vi sinh lâm sàng ở Việt Nam”, việc phát triển kỹ thuật chẩn đoán Covid-19 mới đã hỗ trợ đội ngũ bác sĩ lâm sàng chẩn đoán và ứng phó với sự bùng phát của Covid-19, việc xây dựng hướng dẫn chẩn đoán và tiêu chuẩn ra viện cho bệnh nhân Covid-19. TS. Văn Đình Tráng là một trong những chuyên gia vi sinh lâm sàng hàng đầu tại Việt Nam và có những đóng góp quan trọng trong quá trình ứng phó với đại dịch Covid-19.

Chia sẻ hành trình truyền cảm hứng, trách nghiệm xã hội của doanh nghiệp.

Diễn đàn cựu sinh Australia 3 là sự tiếp nối 2 diễn đàn cựu sinh đã được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng với chủ đề: “Khai thác các tài nguyên”, “Con người và Xã hội”. Xuyên suốt 3 diễn đàn là 50 câu chuyện đóng góp của cựu sinh Australia cho quê hương Việt Nam ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Các diễn đàn được tổ chức nhằm giới thiệu thành tích của các cựu sinh trong hoạt động chuyên môn và những đóng góp cho cộng đồng xã hội; Tăng cường chia sẻ kiến thức trong các lĩnh vực ưu tiên, đồng thời thúc đẩy mối liên kết giữa cựu sinh và các đồng nghiệp người Australia.

Diễn đàn Cựu sinh Australia năm 2023 là chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Australia và Việt Nam.

Cựu sinh viên là những người Việt Nam đã học tập, nghiên cứu hoặc đào tạo tại các cơ sở giáo dục của Australia (tại Australia hoặc nước khác), bao gồm các khóa học dài hạn và ngắn hạn, trực tuyến hoặc trực tiếp. Cựu sinh viên có thể là người nhận học bổng hoặc tự tài trợ. Hiện có hơn 80.000 cựu sinh viên Australia tại Việt Nam, trong đó có hơn 6.500 người nhận Học bổng Chính phủ Australia. Các cựu sinh đã và đang có những đóng góp quý giá cho sự phát triển của Việt Nam cũng như tăng cường hợp tác giữa hai nước. Kết nối cựu sinh nhằm là một hợp phần quan trọng của Chương trình Phát triển nguồn nhân lực Australia - Việt Nam (Aus4Skills), kéo dài 10 năm với tổng vốn đầu tư hơn 86 triệu đô Úc.

N.Anh