Gạo xuất khẩu: Tiếp đà giảm giá
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tuần qua tiếp tục giảm khá sâu so với thời điểm ghi nhận liên tục “leo thang” trước đó. Hiệp hội Lương thực Việt Nam đánh giá, giá gạo xuất khẩu vẫn trên đà giảm trong thời gian tới.
Giá gạo xuất khẩu tiếp tục giảm
Như vậy, sau một thời gian tăng nóng, giá gạo xuất khẩu hiện đang ở giai đoạn đi xuống, từ đó kéo theo giá lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng có xu hướng giảm. Cụ thể, tại An Giang, lúa IR 504 dao động quanh mốc 7.600-7.800 đồng/kg; OM 5451 ở mức 7.700-7.800 đồng/kg. Một số chủng loại lúa khác, giá duy trì ổn định, như lúa Đài thơm 8 dao động quanh mốc 8.000-8.100 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 8.000-8.200 đồng/kg; lúa Nàng Hoa 9 giá 8.200-8.400 đồng/kg; lúa Nhật 7.800-8.000 đồng/kg.
Tuần qua, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào giá ở mức 610-620 USD/tấn, thấp hơn một chút so với mức 620-630 USD/tấn của tuần trước.
Một thương nhân trong ngành có trụ sở đóng tại TP Hồ Chí Minh nhận định, động thái áp trần giá gạo gần đây của Philippines có thể đã tác động tới giá gạo xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn cung khan hiếm và nhu cầu mạnh mẽ từ những người mua khác sẽ giữ giá khó giảm sâu thêm.
Đối với các dòng gạo thơm, giá xuất khẩu trung bình gạo Jasmine của Việt Nam ghi nhận ở mức 710 USD/tấn. Mặc dù giá gạo xuất khẩu có xu hướng chững lại so với một số thời điểm cao điểm, nhưng trên bình diện chung, từ nay đến hết năm 2023, mặt bằng giá gạo xuất khẩu vẫn ở mức cao.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2023, xuất khẩu gạo của nước ta đạt 921.443 tấn với kim ngạch hơn 546 triệu USD, tăng 39,5% về lượng và tăng 50,75 về trị giá so với tháng 7/2023. Lũy kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt hơn 5,8 triệu tấn, thu về hơn 3,1 tỷ USD, tăng 21,4% về lượng và tăng 35,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá trung bình xuất khẩu gạo 8 tháng qua tăng tăng 11,8% so với cùng kỳ, đạt 544 triệu USD/tấn.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định, giá gạo hiện đang có xu hướng chững lại sau động thái của một số nước nhập khẩu nhằm kiềm chế lạm phát, tập trung vào chính sách phát triển sản xuất trong nước để tăng cường dự trữ, tồn kho và tìm kiếm các nguồn cung cấp lương thực thay thế cho gạo.
Tuy nhiên nhìn chung, giá gạo xuất khẩu từ nay đến cuối năm vẫn sẽ duy trì ở mức cao do nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường tiêu thụ lớn vẫn còn (Philipines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và châu Phi) trong khi nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan còn hạn chế. Mức độ biến động của giá gạo xuất khẩu sẽ còn phụ thuộc vào thời tiết, phản ứng chính sách của các nước xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Thái Lan… trong thời gian tới.
Nỗ lực khai thác thị trường tiềm năng
Một số doanh nghiệp (DN) ngành gạo cho biết, đã ký xong hợp đồng xuất khẩu cho quý IV, kèm theo đó giữa tháng 9/2023, Indonesia đã mua thêm 50.000 tấn gạo từ DN Việt Nam qua đấu thầu, nhiều nước cũng tăng tìm kiếm nguồn nhập khẩu gạo từ Việt Nam để bù vào nguồn thiếu hụt do Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu gạo.
Thị trường xuất khẩu đang gặp nhiều thuận lợi, nhưng trước việc giá lúa tăng liên tục trong thời gian qua cũng khiến DN thu mua phục vụ xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Hiện, tồn kho lúa không còn nhiều, trong khi giá thu mua lúa trong nước lại biến động liên tục. Việc ký kết hợp đồng mới cũng được DN hết sức cân nhắc.
Theo ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), gạo Việt Nam đang xuất khẩu với giá cao nhất thế giới, khoảng 630-640 USD/tấn là phù hợp, nhưng với giá lúa ngoài thị trường lên tới 8.000 đồng/kg là bất hợp lý, ngoài ra cần xem lại mức giá 7-8.000 đồng/kg đó có đến được tay người nông dân hay không.
Đối với các DN, đây cũng là thời điểm tập trung nguồn hàng cho các hợp đồng cuối năm. Dự kiến cả năm 2023, Việt Nam sẽ xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo với kim ngạch khoảng 4 tỷ USD.
Nhiều DN ngành gạo cho rằng, giá gạo xuất khẩu thời gian tới có nhiều khả năng sẽ không còn tăng nhiều do các quốc gia nhập khẩu đã có sự thích ứng nhất định sau một thời gian khủng hoảng. Do đó, để tăng sản lượng và tăng kim ngạch xuất khẩu gạo, các DN vẫn hướng tới triển khai các hợp đồng gạo chất lượng cao với giá bán cao.
Theo đó, ngoài các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc..., các DN sẽ tập trung khai thác thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Như mục tiêu đề ra trong Quyết định 583/QĐ-TTg ngày 26/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 là phát triển đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu gạo với quy mô, cơ cấu thị trường, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu hợp lý, ổn định, bền vững và hiệu quả; củng cố các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm và phát triển các thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng, các thị trường FTA; gia tăng thị phần gạo Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu, đặc biệt thị trường các nước phát triển...
Đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam đánh giá: Thị trường đang gián đoạn trong thời gian ngắn để khớp giá. Thực tế, dù cần hàng nhưng khi giá bị đẩy quá cao, các nhà nhập khẩu cũng không dễ dàng chấp nhận. Xu thế chung là giá gạo trong thời gian tới vẫn ở mức cao khi nhiều nước bị mất mùa, lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ dự kiến còn kéo dài đến năm 2024.