Nhiều vướng mắc khi xây dựng Luật Nhà giáo
Liên quan đến việc xây dựng Luật Nhà giáo, tại hội thảo mới nhất để lấy ý kiến đóng góp cho nội dung này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phạm Ngọc Thưởng cho hay, hiện có khoảng 200 văn bản quy phạm pháp luật tác động tới đội ngũ này. Điều đó thể hiện sự quan tâm xuyên suốt đối với nhà giáo, song cũng cho thấy còn chồng chéo.
Cần sớm xây dựng Luật Nhà giáo
Cuối tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ thống nhất đề xuất của Bộ GDĐT về Tờ trình Dự thảo xây dựng Luật Nhà giáo. Trong nội dung Tờ trình, Bộ GDĐT nêu, hiện có các luật trực tiếp quy định các vấn đề về nhà giáo, bao gồm: Luật Giáo dục năm 2019, Luật Giáo dục đại học (năm 2012 và sửa đổi năm 2018), Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014. Bên cạnh đó, hoạt động nghề nghiệp, nhà giáo cũng chịu sự chi phối bởi hơn 100 văn bản dưới luật.
Bộ GDĐT nhận định, hệ thống pháp luật về nhà giáo hiện hành chưa hoàn toàn phù hợp với tính chất nghề nghiệp của nhà giáo. Quy định về nhà giáo chủ yếu ở các văn bản dưới luật. Đồng thời, các quy định của pháp luật hiện hành về nhà giáo do nhiều cơ quan ban hành nên còn thiếu tính đồng bộ, thống nhất và khó áp dụng trong thực tiễn.
Vì vậy Luật Nhà giáo ra đời sẽ khắc phục quan điểm áp dụng các chính sách chung của viên chức đối với nhà giáo ở khu vực công và giải quyết hậu quả của việc này (ví dụ: Giảm biên chế nhà giáo như giảm biên chế viên chức hành chính, cào bằng, thay đổi chế độ phụ cấp...) nhằm xây dựng chính sách tuyển sinh, tuyển dụng, quy hoạch, phát triển đội ngũ nhà giáo phù hợp với nhu cầu sử dụng; thu hút, tạo động lực phát triển đội ngũ nhà giáo.
Ghi nhận thực tế thời gian qua cho thấy, một trong những vấn đề nhận được nhiều đóng góp của các chuyên gia, nhà giáo dục đó là cần gỡ khó trong việc đào tạo đặt hàng giáo viên theo Nghị định 116. Các ý kiến đóng góp đều bày tỏ mong muốn: Khi xây dựng Luật Nhà giáo, nội dung này sẽ được cụ thể hóa để tháo gỡ các điểm nghẽn hiện nay trong quá trình triển khai Nghị định.
Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Tại hội thảo Triển khai định hướng biên soạn Luật Nhà giáo do Bộ GDĐT vừa tổ chức cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, nhà giáo có vị trí, vai trò, ý nghĩa quan trọng, là nhân tố quyết định tới chất lượng giáo dục và đào tạo. Theo đó, trong nhiều thảo luận khác về Luật Viên chức, Luật Công chức, chúng ta nói nhà giáo có nhiều đặc thù nhưng phải làm nổi bật đặc thù đó khác với các ngành khác như thế nào. Nhấn mạnh, làm công việc gì cũng phải dự báo và xác định những thách thức, ông Thưởng nhìn nhận, xây dựng Luật Nhà giáo là luật mới, đối tượng tác động lớn. Ngoài ra, hiện có nhiều chính sách đan xen và tác động như: Luật Lao động, Luật Bảo hiểm, Luật Công chức, Luật Viên chức... Do đó, sẽ có nhiều khó khăn, thách thức và khối lượng công việc lớn.
Cũng theo ông Thưởng, phải tiên lượng, dự báo được nguồn lực để thực hiện chính sách. Khi luật được ban hành, nguồn lực của Nhà nước có đảm bảo thực hiện chính sách đó không và tác động trước mắt, lâu dài như thế nào.
Ông Thưởng mong muốn thời gian tới, các thầy cô tiếp tục đóng góp cho khung đề cương chính sách để từng bước hoàn thiện dự thảo Luật. Khi đã đạt đến phiên bản nhất định sẽ tiếp tục xin ý kiến rộng rãi trên toàn quốc. Việc tổ chức lấy ý kiến trong quá trình xây dựng Luật Nhà giáo là trách nhiệm của các Sở GDĐT và không tổ chức qua loa, đại khái. Xây dựng Luật Nhà giáo là công việc trọng tâm của toàn ngành trong năm nay và năm 2024. Khi chúng ta huy động trí tuệ, tinh thần trách nhiệm của hàng triệu giáo viên, cán bộ quản lý thì chất lượng Luật sẽ tốt.
Đặc biệt, trong quá trình xây dựng Luật Nhà giáo, cần phối hợp tốt giữa “5 nhà”: Nhà quản lý gồm: Bộ GDĐT và các bộ ngành liên quan; nhà khoa học, chuyên gia; nhà đào tạo, gồm cơ sở đào tạo; nhà sử dụng là Sở GDĐT, cơ sở giáo dục; nhà thụ hưởng gồm: nhà giáo và học sinh, sinh viên.
Trong khi đó, theo ông Đặng Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT), các ý kiến đóng góp đều khẳng định, việc xây dựng Luật Nhà giáo là cần thiết. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ khó, đòi hỏi phải có những nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng. Việc xây dựng Luật Nhà giáo phải đảm bảo tháo gỡ được các vướng mắc trong công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ nhà giáo mà địa phương đang gặp phải. Quy định Luật Nhà giáo độc lập với Luật Viên chức và cần tăng cường vai trò quản lý trực tiếp của ngành giáo dục đối với công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga:
Việc khó, nhưng không phải không làm được
Hiện vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình Bộ GDĐT thực hiện đổi mới chương trình phổ thông và sách giáo khoa theo Nghị quyết 88, Nghị quyết 51 của Quốc hội. Vì vậy, việc xây dựng Luật Nhà giáo trong thời điểm này là cần thiết và có sức thuyết phục. Tuy nhiên, việc xây dựng Luật Nhà giáo để điều chỉnh số lượng lớn nhà giáo chiếm 70% số lượng biên chế viên chức trên cả nước, không hề dễ. Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng đang có những khó khăn, vì vậy phải làm sao để có luật bao quát được hết ngành giáo dục. Dẫu khó nhưng không phải không làm được.