Bệnh viện đa khoa Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam: Vì sao nợ lương của nhân viên?

Tấn Thành - Chí Đại 26/09/2023 07:04

Trước khó khăn về việc nợ lương và các khoản phụ cấp của nhân viên ở Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam, ông Huỳnh Tấn Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường, kiêm Phó Giám đốc phụ trách bệnh viện này đã có buổi làm việc với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết.

Bệnh viện đa khoa Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam.

Anh Phan Tấn Tiến (39 tuổi), trú TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam cho biết, năm 2019 lãnh đạo Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam điều chuyển anh sang làm việc tại Khoa dược của BVĐK thuộc trường này và giảng dạy tại trường. Từ tháng 4/2022 đến ngày 15/1/2023, BV vẫn chưa trả lương cho 21 nhân viên. Ngày 15/1/2023, nhà trường có quyết định cho tất cả nhân viên làm việc tại BV nghỉ việc.

“Sau khi nhận quyết định nghỉ việc, chúng tôi liên hệ trường rút sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) để nhận trợ cấp thất nghiệp thì biết BV vẫn chưa đóng BHXH cho chúng tôi 10 tháng. Sau khi chúng tôi phản ánh thì BV mới đóng tiền BHXH để giải quyết các chế độ cho người lao động. Riêng cá nhân tôi, trường còn nợ lương, phụ cấp khoảng 62 triệu đồng. Ngoài ra, nhà trường còn nợ tôi 2.000 giờ giảng dạy (khoảng 100 triệu đồng). Thời điểm BV nợ lương kéo dài khiến cuộc sống gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn” - anh Tiến tâm sự.

Chị Phan Thị Thu Nguyệt - ở TP Tam Kỳ, từng là nhân viên của BV này khi đi kiểm tra sức khỏe thì phát hiện thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đã bị khóa, không thể sử dụng. Do đó, chị Nguyệt gặp lãnh đạo nhà trường trình bày sự việc và được hứa hẹn sẽ sớm đóng BHXH và BHYT cho tất cả nhân viên. Tuy nhiên đến tháng 1/2023, vấn đề của chị Nguyệt vẫn chưa được giải quyết.

Câu chuyện của 2 nhân viên nói trên cũng là tâm sự của nhiều người chung hoàn cảnh bị nợ lương.

Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Tấn Tuấn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam cho biết, ông phụ trách BV và Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam từ tháng 10/2019, còn bổ nhiệm chính thức Hiệu trưởng trường này từ tháng 9/2021. Thế nhưng khoản nợ của BV đã xuất hiện từ giai đoạn năm 2016 và đến năm 2019 thì BV vượt mức trần, vượt nguồn quỹ và vượt tổng mức thanh toán.

Nguyên nhân do lúc BV mới hoạt động, nguồn quỹ còn thấp, nhưng số lượng bệnh nhân thông tuyến đến khám chữa bệnh rất đông, chi phí thuốc men BV đã chi trả ra hết, tuy nhiên phía BHXH từ chối thanh toán vượt trần, vượt quỹ, vì vậy dẫn đến hụt thu của BV khoảng 12 tỷ đồng.

“Từ năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát thì bệnh nhân đến khám chữa bệnh ngày càng ít dần, dẫn đến hụt thu. BV cũng đã nhiều lần gửi báo cáo tình hình đến cơ quan BHXH tỉnh Quảng Nam, BHXH Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Nam, Sở Y tế Quảng Nam để giải quyết, nhưng đến nay vẫn chưa được thanh toán. Nhà trường cũng nhiều lần làm việc với các cơ quan chức năng để xin kinh phí hụt thu trong thời gian trưng dụng bệnh viện để điều trị Covid-19, nhưng vẫn chưa nhận được khoản hỗ trợ nào” - ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, ngày 15/1/2023 nhà trường đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam về việc xin tạm dừng hoạt động BV để tái cơ cấu lại bộ máy, ổn định lại nhân lực để tiếp tục hoạt động trong thời gian tới. Đến nay, BV chưa thanh toán tiền lương hơn 800 triệu đồng và các khoản phụ cấp cho 22 người lao động làm việc tại BV từ tháng 4/2022 đến ngày 15/1/2023.

“Nhà trường đang xin tạm hoãn giảm trừ dự toán cho năm 2024 và năm 2025, mỗi năm hơn 1,9 tỷ đồng theo Quyết định số 2678/QĐ-UBND ngày 20/9/2021 của UBND tỉnh cho trừ dần số nợ còn lại trong 10 năm do thiếu chỉ tiêu tuyển sinh có thời hạn đến ngày 31/12/2025. Cạnh đó, BV xin chủ trương cho thuê cơ sở vật chất và giấy phép hoạt động; đồng thời, xin cơ chế hỗ trợ kinh phí để trả các khoản bệnh viện nợ tiền thuốc, vật tư y tế; lương cán bộ và các khoản nợ khác” - ông Tuấn cho biết thêm.

Tấn Thành - Chí Đại