6 giá trị cơ bản cấu thành hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh
Ngày 26/9, Tỉnh ủy Quảng Ninh và Bộ Biên tập Tạp chí Cộng Sản phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Quảng Ninh nhận diện và phát huy các giá trị văn hóa, con người, tạo nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững”.
Hội thảo có sự tham gia của hơn 200 đại biểu với 80 tham luận của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành… Các tham luận đã kiến giải sâu sắc, nhiều chiều nội dung của hội thảo, xoay quanh các nhóm vấn đề lớn như: Những nội dung cơ bản về lịch sử, văn hóa, con người Quảng Ninh; Quảng Ninh nhận diện các giá trị văn hóa, con người, tạo nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững; Một số giải pháp phát huy giá văn hóa, con người Quảng Ninh, tạo nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững.
Báo cáo tại Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký đã khái quát các giá trị và đặc thù của hệ giá trị tỉnh Quảng Ninh. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nêu rõ: Hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh là tổng thể những đặc trưng, thuộc tính, phẩm chất căn cốt nhất, khái quát cao nhất, có tính đại diện tiêu biểu của địa phương trên tất cả các mặt, lĩnh vực,… được hun đúc, định hình từ điều kiện tự nhiên, từ kết quả quá trình lao động, đấu tranh để sinh tồn và phát triển của cộng đồng địa phương trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của vùng đất, có tính bao trùm, được đa số cộng đồng công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ.
Về mặt ý nghĩa, hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh là sợi dây nối liền quá khứ, hiện tại và tương lai, nên vừa có tính truyền thống, vừa có tính đương đại, mang hơi thở của thời đại và góp phần xác lập nên mục tiêu phát triển hay nói một cách khác, đây là “hệ đường ray” để xác định, gắn kết các định hướng lớn cho quá trình xây dựng, phát triển của tỉnh ở hiện tại và tương lai.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh hình thành trên nền tảng thâu thái các giá trị phổ quát của quốc gia - dân tộc Việt Nam với các giá trị đặc trưng không thể pha lẫn của các yếu tố vùng, miền, khẳng định bản sắc địa phương, là niềm tự hào, tự tôn của cộng đồng các dân tộc anh em sinh sống trên mảng đất địa đầu vùng Đông Bắc của Tổ quốc, góp phần làm đa dạng hóa, giàu có thêm các giá trị phổ quát trong hệ giá trị quốc gia.
“Trên cơ sở nhận thức sâu sắc những yếu tố đặc thù và mang tính trội về địa - chính trị, địa - kinh tế, địa - văn hóa, địa - tự nhiên, sinh thái..., nằm trong tương quan với các giá trị phổ quát của quốc gia - dân tộc Việt Nam, đến nay có thể bước đầu định hình hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh gồm 6 giá trị cơ bản cấu thành: Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc” – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh.
Qua trình bày tham luận và trao đổi tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng tập trung nhận diện và những căn cứ, cơ sở khoa học, lịch sử, cơ sở chính trị, pháp lý,… để nhận diện các giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh thời kỳ hiện nay đồng thời đặt trong tầm nhìn trung hạn và dài hạn. Bên cạnh đó, làm rõ hơn các phương thức, hình thức khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa, con người phù hợp với đặc điểm đặc thù, với tiềm năng, lợi thế của tỉnh Quảng Ninh; vai trò của các chủ thể trong quá trình này. Đồng thời, đánh giá thực trạng, những kết quả đạt được, những tồn tại và bài học kinh nghiệm trong quá trình khơi dậy các giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh thời gian qua; phân tích nguyên nhân thành công và hạn chế…
Từ đó, các đại biểu đã gợi mở và đề xuất những giải pháp, kiến nghị có giá trị khơi thông và phát huy hơn nữa giá trị văn hoá, con người tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn định hướng đến năm 2030, năm 2045 mà Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh đã đề ra.