Chăm sóc, nâng cao sức khỏe người lao động
Ngày 26/9, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến vào dự thảo Kế hoạch của Tổng Liên đoàn thực hiện Chương trình Quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024 - 2025 và Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khoẻ người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2024 - 2030 trong các cấp Công đoàn.
Hội thảo lấy ý kiến vào dự thảo Kế hoạch của Tổng Liên đoàn thực hiện Chương trình Quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024 - 2025 và Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khoẻ người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2024 - 2030 trong các cấp Công đoàn.
Theo dự thảo Kế hoạch Thực hiện Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2024 - 2030 trong các cấp công đoàn, một trong những yêu cầu đặt ra là các cấp công đoàn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, người sử dụng lao động trong việc chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Tổ chức các hoạt động phải bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu và nội dung của Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020-2030.
Đối với Dự thảo Kế hoạch Triển khai Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động trong các cấp công đoàn năm 2024-2025, mục tiêu cụ thể đến hết năm 2025 là 100% cán bộ theo dõi công tác an toàn, vệ sinh lao động của công đoàn cấp tỉnh, công đoàn ngành trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được tập huấn về công tác an toàn, vệ sinh lao động (khoảng 1.375 người, mỗi đơn vị 1 người, bao gồm: 82 cán bộ cấp tỉnh, ngành Trung ương, 1.293 cán bộ cấp trên trực tiếp cơ sở). Mỗi Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương, công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn có ít nhất một giảng viên nguồn về an toàn, vệ sinh lao động. Trung bình mỗi năm mở mới 10 nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp Tổng Liên đoàn về an toàn, vệ sinh lao động; phát hiện, phổ biến khoảng 100 sáng kiến giải pháp an toàn, vệ sinh lao động…
Ý kiến của các đại biểu tập trung phân tích, góp ý kiến các nội dung của Kế hoạch. Trong đó cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn để xây dựng mà chủ yếu là Luật Công đoàn và Luật An toàn vệ sinh lao động để đạt mục tiêu chăm lo tốt hơn cho người lao động.
Đối với Dự thảo Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khoẻ người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2024 - 2030 trong các cấp Công đoàn, một số ý kiến đóng góp đáng chú ý là cần chăm lo sức khoẻ thể chất cho người lao động; chú trọng cả sức khoẻ tinh thần; nhân rộng những mô hình chăm sóc tốt cho sức khoẻ người lao động; tận dụng thế mạnh truyền thông của Công đoàn cơ sở, nhất là trong các khu công nghiệp - chế xuất…