[ẢNH] Nghề làm đầu Lân xứ Quảng

Tấn Thành - Chí Đại 27/09/2023 10:25

Dịp Tết Trung thu là thời điểm các cơ sở làm đầu lân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam rất nhộn nhịp. Năm nay nhu cầu khách hàng đặt mua đầu lân tăng cao nên nhiều cơ sở làm đầu lân rất phấn khởi.

Cơ sở làm đầu Lân của ông Mai Văn Vàng.

Những ngày này, ông Mai Văn Vàng ở phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã cung ứng ra thị trường khoảng 50 đầu Lân cỡ lớn cùng hàng nghìn đầu Lân giấy các loại.

Anh Nguyễn Hưng tỉ mỉ vẽ hoa văn cho đầu Lân.

Ông Vàng kể, trước dịch Covid-19, bình quân mỗi năm ông bán hơn 10.000 bộ lân bồi, tức đầu Lân được dán giấy theo khuôn đúc và hơn 100 đầu Lân sườn làm bằng khung mây, tre, chủ yếu bỏ sỉ đại lý Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Đà Nẵng... Tùy kiểu dáng, kích thước, phụ kiện đi theo mà giá bán đầu Lân dao động từ vài chục nghìn đồng lên đến vài triệu đồng.

Từng công đoạn làm đầu Lân rất cẩn thận, tỉ mỉ.

“Bỏ sỉ đầu Lân giá 45.000 đồng hoặc 55.000 đồng nếu có đuôi. Loại trung dành cho học sinh lớp 9 giá bán dao động từ 800.000 đến 900.000 đồng với lông nhân tạo, hoặc đến 2 triệu đồng nếu là lông cừu và có phụ kiện là đuôi, quần đi kèm. Riêng với lân sườn lớn đính lông cừu, giá combo từ 6 - 6,5 triệu đồng/đầu”, ông Vàng chia sẻ.

Các khung được làm bằng tre, mây để tạo dáng cho đầu Lân.

Theo ông Vàng, nếu trước đây, làm đầu Lân chỉ vào dịp Tết Trung thu, phục vụ nhu cầu vui chơi của thanh thiếu nhi thì hiện nay nghề này có thể làm quanh năm. Các cơ sở vừa sản xuất để trữ hàng vừa phục vụ nhu cầu mua sắm của các đoàn múa lân trong các sự kiện, lễ hội.

Một đầu Lân đã được dán giấy xong nhưng chưa vẽ trang trí.

Nói về nghề làm đầu Lân, anh Nguyễn Hưng ở xã Cẩm Hà, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, gia đình ông có hơn 30 năm làm nghề này. Lúc còn nhỏ chỉ vì thích chơi đầu Lân mà anh đã tự mày mò, học hỏi các tiền bối đi trước để làm ra đầu Lân. Sau này cả gia đình đều mê đầu Lân nên quyết định chọn nghề này luôn.

Người làm đầu Lân cần khéo léo, tỉ mỉ từng công đoạn.

Theo anh Hưng, đầu tiên để làm đầu Lân là lên ý tưởng rồi triển khai ra bằng cách đan các thanh tre, nứa tạo hình thù đầu Lân nhất định. Tiếp đến, sẽ dùng các loại giấy đặc biệt đắp lên khung một lớp da đầu tạo tiền đề cho công đoạn trang trí,

Vẽ nét hoa văn trên giấy trước khi dán vào đầu Lân.

“Vài năm gần đây nhu cầu chơi lân, múa lân diễn ra thường xuyên, nhất là các sự kiện chào mừng, khai trương nên chúng tôi làm quanh năm. Thế nhưng… dù vậy rộ nhất vẫn là dịp Tết và Trung thu. Sau Trung thu chúng tôi nghỉ ngơi một tháng, sau đó bắt đầu vào làm lại, trữ hàng cho Tết Nguyên đán”, anh Hưng chia sẻ.

Những đầu Lân đã làm xong để bán giao cho khách.

Anh Hưng chia sẻ thêm, Lân là một trong những con vật tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng, hạnh phúc và múa Lân là nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong dịp Trung thu hoặc Tết Nguyên đán. Do đó, nghề làm đầu Lân không chỉ yêu cầu khéo léo, tỉ mỉ mà còn rất cần cái tâm, đặc biệt phải có năng khiếu hội họa cùng khả năng sáng tạo để làm nên tác phẩm đặc sắc.

Cơ sở làm đầu Lân của anh Nguyễn Hưng rất nhộn nhịp.
Một đầu Lân có kích cỡ lớn, giá tiền triệu đồng.

Tấn Thành - Chí Đại