Giảm chi phí, tăng cạnh tranh nhờ sản xuất xanh
Nhờ mạnh dạn đầu tư theo công nghệ hiện đại, sử dụng năng lượng sạch và nguyên liệu xanh nên hiệu quả sản xuất của một số doanh nghiệp đã có nhiều bộc lộ rõ nét, khi mà chi phí đầu vào giảm và tăng cạnh tranh đầu ra.
Chủ động sản xuất xanh
Ông Hoàng Vệ Dũng - Chủ tịch Tổng Công ty Đức Giang (Dugarco), chuyên về lĩnh vực may mặc cho hay, đơn vị đang thực hiện các sáng kiến cải tiến trong hoạt động sản xuất kinh doanh như: tiết kiệm điện 10%, nước 20%, nguyên phụ liệu 5 - 10%. Ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo. Hiện nay, đa số các nhà máy trong hệ thống Dugarco đã và đang được lắp đặt các thiết bị pin mặt trời áp mái giúp chủ động được 20 - 30% lượng điện tiêu thụ cho toàn bộ quá trình sản xuất. Đồng thời, chuyển đổi các lò hơi đốt than sang các nồi hơi sử dụng điện. Điều này không những giúp tiết kiệm chi phí, mà còn hạn chế phát thải các chất độc hại ra môi trường. Ngoài ra, doanh nghiệp (DN) cũng đang tập trung tìm kiếm các nhà cung cấp nguyên phụ liệu có chứng nhận bền vững để kết nối với các đối tác này, ví dụ như sử dụng các vải có nguồn gốc tự nhiên, tự hoại hoặc tái chế.
Đối với mảng thời trang nội địa, DN này áp dụng các chương trình thu hồi quần áo đã qua sử dụng nhằm khuyến khích khách hàng trả lại quần áo cũ để tái chế. “Từ nhiều năm trước chúng tôi đã xây dựng lộ trình chuyển đổi mạnh mẽ về thiết kế theo xu thế thời đại, xu thế sản xuất xanh, tìm kiếm và thành lập chuỗi cung ứng mới. Điều này không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về các tiêu chí thời trang, tái tạo và giảm phát thải. Song song đó, giúp nâng cao vị thế của DN, đồng thời tăng thị phần và tạo thêm nhiều giá trị gia tăng” - ông Dũng cho biết.
Tương tự, ông Phạm Văn Dũng – Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Giấy Xuân Mai cho biết, khoảng 80 – 90% các công đoạn sản xuất của công ty đã đạt tiêu chuẩn xanh hóa. Riêng trạm xử lý nước, công ty đầu tư khoảng 5 triệu USD nên có hệ thống quản lý chất lượng, hệ thống xử lý nước, chất thải đứng hàng đầu của ngành giấy và bột giấy Việt Nam. Ông Dũng chia sẻ: “Mỗi năm công ty tiết kiệm được khoảng 200.000 USD nhờ chuyển đổi xanh. Ngay từ ngày đầu thành lập, DN đã xác định kinh tế tuần hoàn là yêu cầu tất yếu của phát triển bền vững. Chính vì vậy DN tập trung đầu tư công nghệ nhằm giảm tối đa lượng chất thải ra môi trường”. Cũng theo vị này, việc xanh hóa mang lại cho DN nhiều hợp đồng thường xuyên và ổn định.
Đáp ứng quy định khắt khe từ các nước nhập khẩu
Ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, sản xuất xanh giúp DN vượt qua các rào cản, vươn mình mở rộng thị phần xuất khẩu tại các thị trường trên thế giới. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực cung ứng hàng hóa cho thị trường nội địa. Thêm vào đó, chuyển đổi xanh sẽ là cơ hội để DN “đi tắt, đón đầu”, vượt qua thách thức, bắt kịp được đà phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển như vũ bão trên toàn cầu. Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn TPHCM nhấn mạnh, xanh hóa đã trở thành luật chơi mới trên thị trường trong nước và quốc tế. “DN bắt buộc phải chuyển đổi xanh nếu muốn tồn tại, phát triển và hoà nhập với thị trường toàn cầu. Hiện các thị trường nhập khẩu quan trọng đã triển khai áp dụng thuế suất cao đối với các sản phẩm có “dấu chân carbon” lớn. Với nền kinh tế định hướng về xuất khẩu như Việt Nam, sản xuất xanh là tất yếu” - ông Quân khuyến cáo.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Hòa – Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, Liên minh châu Âu (EU) vừa thông báo, bắt đầu từ ngày 1/10/2023, EU sẽ áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) ở giai đoạn chuyển tiếp. Đây là công cụ chính sách của EU nhằm đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất nước xuất khẩu. Bước đầu EU sẽ áp dụng cơ chế này đối với các hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao như thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro. “Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), với cơ chế này, chi phí sản xuất của ngành thép, nhôm, xi măng của Việt Nam sẽ bị tăng thêm khoảng 36 tỷ USD mỗi năm khi xuất khẩu hàng hoá vào thị trường EU. Không chỉ vậy, những lĩnh vực sản xuất khác như dệt may, da giày, gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ, nông thuỷ hải sản… cũng được khuyến cáo sẽ phải thích ứng với chính sách này trong thời gian tới” - ông Hòa nói.
Việt Nam đã ký kết 16/19 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Điều này mở ra nhiều cơ hội phát triển thị phần xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thống kê từ Bộ Công thương hỉ rõ, hiện hàng hoá xuất khẩu Việt Nam hiện diện ở 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, đặc biệt có 50 thị trường xuất khẩu tiềm năng và chủ lực. Tuy nhiên, cùng với những lợi thế mà FTA mang lại, doanh nghiệp trong nước phải đối mặt với hàng rào phi thuế quan ngày càng khắt khe do các nước nhập khẩu đặt ra, đáng lo ngại nhất là rào cản kỹ thuật về môi trường.