Chất và lượng của du lịch
Còn 3 tháng nữa nhưng mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế của du lịch Việt Nam năm 2023 gần như đã hoàn thành. Tuy nhiên, có một thực tế là đón nhiều khách quốc tế nhưng mức độ chi tiêu thấp so với trước. Mặt khác, lượng khách quốc tế quay trở lại cũng không nhiều. Điều đó cho thấy ngành du lịch phải có nhiều nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới.
Mới đây, tại giải thưởng World Travel Awards 2023, Việt Nam tiếp tục gặt hái được nhiều thành tích ở hơn 40 hạng mục của giải thưởng được ví như “Oscar của ngành du lịch thế giới”.
Những tín hiệu khởi sắc
Trước đó, du lịch Việt Nam cũng ghi nhận sự tích cực khi tham gia nhiều hoạt động hợp tác quốc tế. Thành quả đạt được là theo dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch Destination Insights của Google, từ đầu năm 2023 tới nay, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam liên tục tăng trưởng trong Top đầu thế giới. Từ vị trí thứ 11 lên thứ 6, Việt Nam là điểm đến duy nhất tại Đông Nam Á nằm ở nhóm này.
Thực tế cho thấy, mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2023 là việc hoàn toàn trong tầm tay. Bởi theo các chuyên gia nhận định, cuối năm sẽ là mùa cao điểm của lượng khách quốc tế đến Việt Nam, cộng thêm tác động tích cực từ các chính sách visa thông thoáng đã có hiệu lực từ ngày 15/8 vừa qua. Đặc biệt mới đây, Chính phủ cũng đã giao Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương, quyết liệt thúc đẩy đổi mới xúc tiến du lịch; rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh mục tiêu đón khách quốc tế năm 2023 phù hợp với tình hình thực tế để thúc đẩy hơn nữa phục hồi và phát triển du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch mới, giá trị gia tăng cao, tăng cường triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá, kích cầu để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong cuối năm 2023 và những tháng đầu năm 2024; tăng cường công tác quản lý giá dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống tại các địa bàn trọng điểm du lịch.
“Một đi không trở lại”...
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu khả quan, du lịch Việt Nam vẫn đang đối mặt với thực tế đã tồn tại trong một thời gian dài đó là câu chuyện “một đi không trở lại” của du khách quốc tế. Rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan lý giải cho thực tế đáng buồn này. Đơn cử như việc thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao tại nhiều đơn vị lữ hành hiện nay. Theo ông Võ Việt Hòa - Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, trong bối cảnh du lịch quốc tế phục hồi thì các doanh nghiệp lại đau đầu vì thiếu nhân sự. Doanh nghiệp lữ hành của ông Hòa đã giảm khoảng 30-40% nhân sự so với trước dịch Covid-19 khi họ chuyển ngành và không quay lại. Riêng hướng dẫn viên thì thiếu trầm trọng, ngay cả hướng dẫn viên tiếng Anh vốn phổ biến nhất thì nay cũng “đỏ mắt tìm”.
Không những vậy tình trạng chặt chém tại nhiều điểm đến dù đã giảm nhưng đâu đó những hành động xấu xí này vẫn đang diễn ra không chỉ với du khách quốc tế mà ngay cả với khách du lịch trong nước. Dù đã nỗ lực xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới, nhưng nếu so với các quốc gia trong khu vực thì Việt Nam vẫn chưa có nhiều chương trình trải nghiệm hấp dẫn, đủ sức giữ chân du khách. Đơn cử như các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch tại các không gian phố đi bộ ở Hà Nội dù được tổ chức rầm rộ hàng tuần, hàng tháng nhưng ngoài các gian hàng trưng bày như hội chợ thì hầu như không có nhiều hoạt động trải nghiệm hấp dẫn. Tại các điểm đến về biển, đảo, danh lam thắng cảnh nhiều năm nay hầu như lộ trình các tour tham quan không có nhiều thay đổi. Đặc biệt, hiện nay du lịch Việt Nam còn đang tự bó chân mình khi giá vé hàng không đang tăng quá cao.
Theo Phó Viện trưởng viện Phát triển du lịch châu Á (ATI) Tưởng Hữu Lộc, sau khi hành lang thủ tục cấp visa thông thoáng hơn thì một trong những rào cản lớn nhất hiện nay và trong thời gian tới chính là giá hàng không của Việt Nam còn quá cao. Ngay bản thân thị trường nội địa chưa thể nào tăng trưởng được. Những năm trước, dòng khách đến từ các quốc gia truyền thống châu Âu như Pháp, Anh… thì giá vé máy bay trung bình khi đến Việt Nam từ 700 - 800 euro/người. Nhưng năm nay thì giá vé lại tăng chóng mặt từ 1.200 - 1.500 euro/người. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến sự mặn mà của du khách. Trong khi đó giá hàng không của Thái Lan lại mềm hơn của Việt Nam từ 30% - 40%.
Cũng theo ông Lộc, tính hấp dẫn về việc tạo ra hành lang thông thoáng visa là những điều cơ bản để thu hút du khách. Bên cạnh đó là tính chuyên nghiệp. Sau dịch Covid-19, một lượng lớn nhân lực chất lượng cao của ngành du lịch đã rời ngành. Vì thế chất lượng dịch vụ đang có dấu hiệu đi xuống. Đây là một thực tế đáng báo động, chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận. Hiện nay, khi các bạn trẻ gia nhập ngành du lịch thì vẫn còn non, ngôn ngữ không đủ tốt để kết nối với khách hàng tạo ra khác biệt sức hút đối với du khách. Cùng với đó là các dịch vụ kết nối liên tỉnh vẫn còn bị đứt đoạn tính chuyên nghiệp chưa cao.
Đồng quan điểm, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, phải tạo được những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Triển khai công tác xúc tiến quảng bá một cách mạnh mẽ, bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn. Công tác quản lý điểm đến, đặc biệt là an ninh an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khi đi du lịch tại Việt Nam phải được chú trọng hơn nữa. Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo để phát triển nguồn nhân lực về du lịch vừa đáp ứng được nhu cầu về số lượng vừa đáp ứng chất lượng, từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ cung cấp du khách du lịch. Ngoài ra, chúng ta cũng phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động của ngành du lịch.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, muốn du lịch nước ta hấp dẫn hơn, đặc biệt nâng cao năng lực cạnh tranh hơn, tạo sức hút mạnh mẽ với khách quốc tế cần có giải pháp đồng bộ ở nhiều khía cạnh. Trong đó, các doanh nghiệp du lịch phải tạo được nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, có tính cạnh tranh về giá, tạo sức hấp dẫn. Bên cạnh đó, thay đổi phương cách xúc tiến, quảng bá tại các thị trường trọng điểm, tiềm năng một cách bài bản, chuyên nghiệp hơn, đi vào các nhánh phù hợp với nhu cầu của từng thị trường. Việc quản lý điểm đến, nhất là an ninh an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khi đi du lịch tại Việt Nam cần được chú trọng hơn nữa. Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực du lịch để nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu du khách.