Giải bài toán phát triển công nghiệp hỗ trợ

H.Hương 27/09/2023 10:00

Công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hiện chưa phát triển như kỳ vọng nhưng nhiều doanh nghiệp đã có chỗ đứng trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp đa quốc gia.

Nhiều doanh nghiệp đã trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho các tập đoàn đa quốc gia. Ảnh: Quang Vinh.

Gia tăng số lượng

Phát triển công nghiệp hỗ trợ là nhiệm vụ trọng tâm được đưa ra trong nhiều năm nay. Nhờ có những chính sách thuế, phí và hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý, công nghiệp hỗ trợ cũng đã có khởi sắc nhất định. Theo thống kê đến nay, cả nước có khoảng 5.000 doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ; sản phẩm được cung cấp đủ trong nước và xuất khẩu tới Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ…

Đặc biệt, số lượng DN là nhà cung ứng cấp 1 cho các tập đoàn đa quốc gia đạt khoảng 100 DN; cung ứng cấp 2, cấp 3 là khoảng 700 DN. Tiêu biểu có khoảng 50 DN là nhà cung ứng cấp 1 và 170 DN là nhà cung ứng cấp 2 cho Tập đoàn Samsung. Ở lĩnh vực cơ khí - ô tô, có khoảng 12 DN tham gia cung ứng cấp 1 cho Toyota. Bên cạnh đó, lĩnh vực dệt may, da giày, tỷ lệ nội địa hóa đạt khoảng 45 - 50%...

TS Trần Thị Mai Thành – Trường Đại học Kinh tế - Đại học quốc gia Hà Nội nhận định, công nghiệp hỗ trợ đóng một vai trò quan trọng trong tăng cường sự liên kết trong chuỗi cung ứng của các ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế Việt Nam như: Dệt may, da giày, điện tử, nông nghiệp, thủy sản...

Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước đã có nhiều khởi sắc cả về số lượng và chất lượng. Chẳng hạn nếu như năm 2014, Việt Nam chỉ có 4 công ty là nhà cung cấp linh, phụ kiện cho Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc), thì đến năm 2022 con số này đã lên tới 257.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn đang đối mặt với một số tồn tại và hạn chế. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước cung cấp cho đối tác nước ngoài vẫn chỉ dừng lại ở mức độ đơn giản, có hàm lượng công nghệ trung bình và thấp.

Chủ động kết nối

Ông Nguyễn Quốc Cường - Giám đốc Công ty cổ phần Hanel xốp nhựa (Hanel Plastics) cho biết, ngay từ đầu, DN đã xác định chiến lược là phải làm được các sản phẩm cung ứng cho các DN FDI lớn.

“Chúng tôi bắt đầu từ những sản phẩm đơn giản, nhưng làm đến đâu đạt hiệu quả đến đó và tăng dần. Chủ trương là tiếp cận được những “ông lớn" và không ngại những đối tác nhỏ” - ông Cường nói.

Về giải pháp, dưới góc độ DN, ông Cường cho rằng, thời gian tới, Nhà nước, Bộ Công thương thúc đẩy thu hút đầu tư nhiều, sẽ có sự chuyển dịch, cụ thể DN vẫn có nhiều cơ hội, nhiều hội chợ xúc tiến thương mại, kết nối với những tập đoàn như Boeing hay Airbus. Với môi trường đầu tư kinh doanh như tại Việt Nam, sẽ có nhiều tập đoàn lớn tìm đến, giúp DN có cơ hội tiếp cận. Tuy nhiên, DN cần nâng cao trình độ công nghệ để sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng cao và giữ vị trí ổn định trong chuỗi cung ứng.

Ông Trần Bá Linh – Giám đốc sản xuất Công ty Cổ phần bóng đèn Điện Quang chia sẻ, để đảm bảo về chất lượng cũng như số lượng sản xuất, công ty đã đầu tư “đốt cháy giai đoạn” bằng việc không ngừng nâng cấp, cải tiến những thiết bị hỗ trợ trong sản xuất như: trang bị đầy đủ các loại máy móc hỗ trợ sản xuất đảm bảo chất lượng đầu ra đối với dây chuyền sản xuất bo mạch điện tử, đối với dây chuyền sản xuất lắp ráp các sản phẩm OEM, ODM...

Bên cạnh đó, công ty cũng định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng thành công Trung tâm nghiên cứu phát triển với hơn 100 kỹ sư trẻ, hoạt động từ khâu thiết kế, tạo mẫu sản phẩm, xây dựng giải pháp...

Theo Đề án tái cơ cấu ngành Công thương giai đoạn đến năm 2030 vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phê duyệt, phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những mục tiêu được lưu tâm. Đề án nêu rõ, công nghiệp hỗ trợ sẽ phục vụ các ngành sản xuất lớn như: điện tử, ô tô, dệt may, da giày, cơ khí, công nghệ cao... và tăng cường khả năng đáp ứng các quy tắc về nguồn gốc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do. Phấn đấu đến năm 2030, công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu sản xuất trong nước; Tăng cường làm chủ công nghệ cốt lõi, tạo dựng thương hiệu Việt Nam, sử dụng công nghệ Việt Nam và gắn kết hiệu quả với mạng lưới chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài...

H.Hương