Gia tăng số người trẻ bị đột quỵ não
Đột quỵ não hay tai biến mạch máu não là tình trạng thiếu máu đột ngột đến một phần não làm cho các tế bào não thiếu ô xy và chết, gây nên các rối loạn vận động về nhận thức, ngôn ngữ, thị giác…
Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân gây tai biến mạch máu não có thể do người bệnh không kiểm soát tốt khi mắc các bệnh cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, mỡ máu. Ngoài ra, những thói quen có hại cho sức khỏe như hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, ít vận động, chế độ ăn nhiều chất béo… cũng là một yếu tố nguy cơ gây đột quỵ.
Một trường hợp cụ thể, bệnh nhân N.N.T. (36 tuổi, Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng tiếp xúc chậm, mất ngôn ngữ, miệng méo, liệt hoàn toàn nửa người phải. Bệnh nhân được chẩn đoán đột quỵ nhồi máu não cấp thùy thái dương trái thuộc vùng cấp máu của động mạch não giữa trái, tiên lượng nặng. Các bác sĩ đã tiến hành điều trị tích cực theo phác đồ cho người bệnh. Sau 13 ngày, người bệnh đã nói tốt hơn, có phục hồi vận động, được ra viện. Tuy nhiên, quá trình hồi phục của người bệnh còn cần thêm thời gian dài, và di chứng sau đột quỵ sẽ ít nhiều gây trở ngại trong cuộc sống.
BS Phạm Văn Cường - Trung tâm Đột quỵ não (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết, những nguyên nhân chủ yếu khiến người trẻ tuổi mắc đột quỵ não là bệnh lý dị dạng mạch máu não, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, đái tháo đường và tăng huyết áp, đặc biệt, hút thuốc lá, béo phì, ít vận động, uống nhiều rượu bia cũng là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này.
Theo đó, khoảng 50% số bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi có hút thuốc lá, những nghiên cứu mới nhất cho thấy có sự tương quan giữa số lượng thuốc hút mỗi ngày và nguy cơ đột quỵ não. Thuốc lá có chứa khoảng 7.000 chất độc hóa học như carbon monoxide, formaldehyde, arsenic và cyanide... Những chất độc này được vận chuyển vào máu sau khi hấp thu vào phổi làm thay đổi và phá hủy các tế bào trong cơ thể. Những thay đổi của các chất hóa học này làm tăng nguy cơ vữa xơ, tổn thương mạch máu não. Trong khi đó, có khoảng từ 50-60% bệnh nhân nhồi máu não trẻ tuổi có rối loạn chuyển hóa mỡ máu, có sự khác biệt nhẹ giữa nam và nữ, trong đó nam giới hay gặp hơn nữ. Người trẻ tuổi với thói quen ăn uống có hại sức khỏe (ăn quá nhiều thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn…), ngày càng đối diện với các bệnh lý mạch máu lớn và nhỏ sớm hơn (bệnh lý đột quỵ, tim mạch …).
Ngoài ra, đái tháo đường gặp ở 30% bệnh nhân đột quỵ trẻ và với bệnh tăng huyết áp là khoảng 10%. Đặc biệt với khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não trẻ tuổi có đái tháo đường lên tới 54,8%. Tại Việt Nam, đang có sự gia tăng nhanh bệnh tiểu đường ở người trẻ, thậm chí với trẻ em. Nhiều ca bệnh được ghi nhận ở trẻ nhỏ từ 9-13 tuổi, thanh niên từ 20 đến dưới 30 tuổi. Thói quen ăn uống thay đổi, lối sống không lành mạnh, ô nhiễm môi trường khiến độ tuổi mắc tiểu đường càng trẻ, thậm chí mới 9 tuổi.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 15 triệu người mắc đột quỵ não, khoảng 5 triệu người trong số đó tàn phế vĩnh viễn và 5 triệu người tử vong. Vì vậy, cần có các biện pháp phòng tránh đột quỵ não kịp thời.
Có thể nhận thấy, đột quỵ ở người trẻ tuổi có thể được đẩy lùi nhờ những thói quen sinh hoạt lành mạnh như: Tích cực vận động thể dục thể thao, hạn chế sử dụng thức ăn nhanh, các thực phẩm chế biến sẵn, nói không với thuốc lá, hạn chế bia rượu… Đó là những điều có thể dễ dàng thực hiện để bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh. Ngoài ra, người trẻ không nên chủ quan cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người cao tuổi mà bỏ qua việc thăm khám sớm tại các cơ sở y tế khi có biểu hiện của bệnh lý đột quỵ (yếu liệt tay chân, méo miệng, nói khó. “Đột quỵ não là căn bệnh không chừa một ai và người trẻ cũng hoàn toàn không miễn nhiễm với đột quỵ” - BS Phạm Văn Cường khuyến cáo.
TS.BS Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng khoa Nội – Hồi sức thần kinh (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cho biết: Trước đây đột quỵ não thường xảy ra ở những người cao tuổi nhưng ngày nay có khoảng 25% ca đột quỵ lại xảy ra ở những người trẻ tuổi. Đột quỵ ở người trẻ đang có chiều hướng gia tăng đáng báo động, đặc biệt đối với những người lạm dụng bia, rượu, thuốc lá, sử dụng các chất kích thích…