Thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Đổi mới về ‘chất’ hay số môn thi?
Nhiều ý kiến cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 nên giảm số môn thi bắt buộc thay vào đó là đổi mới cách thức tổ chức thi, giảm áp lực cho người học.
Thi bao nhiêu môn là phù hợp?
Năm 2025 là năm đầu tiên, lứa học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, số môn thi, cách thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của học sinh, phụ huynh và các nhà trường.
Thông tin về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết, kỳ thi từ năm 2025 sẽ tổ chức thi theo môn, gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ; trong đó một số môn bắt buộc và một số môn lựa chọn.
Nội dung thi bám sát mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi theo hướng tăng cường đánh giá năng lực, phù hợp với quy định và lộ trình triển khai chương trình mới.
Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực.
Trước đó, Bộ GDĐT đã tiến hành khảo sát và đưa ra 2 phương án về số môn thi cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 để các Sở GDĐT, lãnh đạo các trường THPT và giáo viên lựa chọn.
Theo đó, phương án 1 gồm 6 môn thi, trong đó có 4 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn tự chọn trong số các môn đã lựa chọn học. Phương án 2 gồm 5 môn thi, trong đó có 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 môn tự chọn trong số các môn đã được học, trong đó có cả môn Lịch sử.
Như vậy, sự khác biệt giữa hai phương án này là có hay không đưa Lịch sử thành môn thi bắt buộc. Vấn đề này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ những người trong cuộc. Tuy nhiên đa phần ý kiến đều đồng tình với phương án không chọn Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Theo ông Đỗ Văn Lợi, Phó giám đốc Sở GDĐT Hải Phòng, những năm trở lại đây, nhiều thí sinh có xu hướng chọn bài thi Khoa học xã hội, có tỉnh tỷ lệ này lên tới 70-80%. Tại Hải Phòng có đến 2/3 chọn bài thi Khoa học xã hội.
Thế nên, nếu như môn Lịch sử là môn thi bắt buộc thì sự mất cân bằng giữa số lượng chọn tổ hợp các môn Xã hội và tổ hợp các môn Tự nhiên của học sinh sẽ ngày càng tăng lên.
Còn theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GDĐT Thừa Thiên Huế, nếu Lịch sử là môn thi bắt buộc thì sẽ rất thiệt thòi cho học sinh lựa chọn tổ hợp các môn Tự nhiên ở bậc THPT. Vì thế, 3 môn bắt buộc Toán, Văn, Ngoại ngữ và thêm 2 môn tự chọn là hợp lý.
Tăng số môn, tăng áp lực
“Thi càng ít môn càng tốt” là chia sẻ chung của hầu hết học sinh. Các em đều cho rằng, bớt một môn thi bắt buộc là bớt một áp lực, các em sẽ có thêm thời gian ôn các môn thi kỹ càng hơn.
Về phía các chuyên gia, nhiều ý kiến cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 nên giảm số môn thi bắt buộc thay vào đó là đổi mới cách thức tổ chức thi, giảm áp lực cho người học.
Trao đổi với PV, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội Khoa học Giáo dục Việt Nam bày tỏ quan điểm không đồng tình với phương án Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, hiện nay, môn Lịch sử đã trở thành môn học bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Để học sinh nhớ về Lịch sử và yêu thích môn học không phải bằng cách đưa môn học vào thi tốt nghiệp mà nên thay đổi cách dạy thế nào để các em thích học. “Quan trọng là ý thức, thái độ người học và người thầy dạy thế nào, cách dạy ra sao chứ không phải dùng điểm số để học sinh yêu nước hơn”, ông Lâm nói.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã yêu cầu Bộ GDĐT sớm nghiên cứu, công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bảo đảm gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực, giảm áp lực, giảm chi phí và tạo sự đồng thuận xã hội. Trong khi đó, nếu tăng thêm một môn thi bắt buộc sẽ tăng thêm áp lực cho học sinh, tâm lý thi cử sẽ nặng nề hơn.
Mặt khác, hiện nay, học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có xu hướng lựa chọn tổ hợp các môn Xã hội nhiều. Nếu Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc, TS Nguyễn Tùng Lâm e ngại sẽ dẫn tới gia tăng tình trạng mất cân đối giữa học sinh chọn môn Tự nhiên và môn Xã hội.
Ông Lâm cho rằng: “Thay vì thay đổi số môn thi, kỳ thi tốt nghiệp THPT nên đổi mới cách thức tổ chức. Trong tương lai xây dựng phương án trao quyền tự chủ tổ chức thi cho các nhà trường, các địa phương, làm sao để thầy dạy tốt, trò học tốt, đi tới chất lượng thật”.
Về phương thức tổ chức thi và lộ trình thực hiện giai đoạn 2025 - 2030, Bộ GDĐT cho biết, sẽ giữ ổn định phương thức thi trên giấy; đồng thời tăng cường ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính).
Giai đoạn sau 2030: phấn đấu để đến khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện để tổ chức thi trên máy tính sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.