Kinh tế

Chủ động nắm bắt, khắc phục khó khăn triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia 1719

P.V 27/09/2023 17:30

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN) trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong thời gian qua đã đạt những kết quả khả quan mặc dù trong quá trình triển khai tỉnh đã gặp không ít khó khăn.

Những khó khăn bước đầu

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là cơ hội để thay đổi đời sống vật chất và tinh thần của bà con vùng đồng bào DTTS và MN trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Lãnh đạo xã Khánh Thiện, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái trao đổi với người dân về CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: baoyenbai.Com.vn
Lãnh đạo xã Khánh Thiện, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái trao đổi với người dân về CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các dự án của chương trình địa phương cũng đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc vì đây là lần đầu tiên chương trình này được ban hành nên có nhiều điểm mới về phương pháp tiếp cận, đối tượng, nội dung, phạm vi hỗ trợ, đặc biệt là việc tích hợp các chính sách liên quan đến nhiều đơn vị tổ chức hướng dẫn triển khai thực hiện.

Đối với nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn thì đang tạm dừng chưa triển khai thực hiện do đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nội dung để phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Cùng đó, văn bản hướng dẫn của một số Bộ, ngành về địa bàn thực hiện chính sách có điểm chưa thống nhất, chưa phù hợp với tình hình thực tế. Đội ngũ cán bộ cơ sở vùng dân tộc có nơi chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái cho rằng, mặc dù kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có bước phát triển trong những năm qua, nhưng vẫn là vùng khó khăn của tỉnh, cơ sở hạ tầng còn chưa đồng bộ, làm cản trở quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thu nhập bình quân của hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở một số địa phương trong tỉnh vẫn thấp hơn so với bình quân thu nhập của cả nước; tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 57,4% dân số, nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm 86,8% trong tổng số hộ nghèo của cả tỉnh.

Chất lượng giáo dục, y tế, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tuy đã được nâng lên nhưng so với mặt bằng chung toàn quốc và các tỉnh lân cận còn thấp, mức độ tiếp cận các dịch vụ còn ở chừng mực.

Công tác bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tuy đã được quan tâm thực hiện, song bản sắc văn hóa của một số dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đang có nguy cơ bị mai một.

Các cấp cùng cố gắng để đạt kết quả cao nhất

Dưới sự hướng dẫn của Ủy Ban Dân tộc, cùng với trách nhiệm là Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái đã chủ động tham mưu cho tỉnh, đồng thời phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các ngành liên quan thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Ban Dân tộc tỉnh đã chủ động ban hành Kế hoạch kiểm tra, giám sát đánh giá kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022; triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Đồng thời, phối hợp với các huyện, thị xã và các sở ngành liên quan tổng hợp đề xuất nhu cầu, kinh phí tổ chức triển khai thực hiện Chương trình năm 2023.

Ngoài việc tham gia, tổng hợp ý kiến sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của các bộ ngành Trung ương, của tỉnh, thực hiện nhiệm vụ được giao, Ban Dân tộc tỉnh đã trực tiếp triển khai nội dung đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp; triển khai Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số; biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng…

Tính đến hết tháng 8/2023, vốn đầu tư phát triển đã khởi công xây dựng được 222 công trình (trong đó có 84 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng) với kinh phí thực hiện đạt 512 tỷ 302 triệu đồng trong tổng số 603 tỷ 057 triệu đồng, đạt 84,95% kế hoạch; vốn sự nghiệp 60 tỷ 738 triệu/296 tỷ 695 triệu đồng, đạt 20,47% kế hoạch.

Kết quả này khẳng định sự cố gắng quyết tâm của các cấp, các ngành của tỉnh trong triển khai chương trình. Nhờ đó, Yên Bái đứng thứ 3 trong số 14 tỉnh trung du, miền núi phía Bắc về tiến độ giải ngân.

Trấn Yên bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Ảnh: baoyenbai.com.vn
Trấn Yên (Yên Bái) bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Nguồn đầu tư tập trung chủ yếu thực hiện một số nội dung như hỗ trợ nước phân tán, mua sắm nông cụ máy móc; phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch...

Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương và sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, cơ cấu kinh tế của các địa phương vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều chuyển biến tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú, thu nhập được cải thiện.

Để thực hiện chương trình đảm bảo kế hoạch đề ra, thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tham mưu triển khai một số nhiệm vụ bảo đảm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong triển khai thực hiện Chương trình.

Cùng với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư năm 2024 và tổ chức triển khai thực hiện, phân bổ, điều chỉnh kế hoạch và đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 theo đúng quy định. Phối hợp triển khai tốt chương trình cho vay các đối tượng chính sách, đặc biệt là các chính sách vay vốn cho hộ dân tộc thiểu số là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo…, nhằm góp phần hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

P.V