Nâng tầm đại học
Trường Đại học (ĐH) Y Hà Nội đã định hướng phát triển thành ĐH Y Hà Nội. Đây là thông tin được lãnh đạo nhà trường chia sẻ tại Lễ khai giảng năm học mới 2023-2024 vừa qua.
Theo đó, GS Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho hay, năm học mới 2023-2024 sẽ đi cùng với nhiều chủ trương và hoạt động lớn của trường như: Thực hiện tự chủ ĐH, chuẩn bị đề án phát triển thành ĐH Y Hà Nội; đổi mới căn bản và toàn diện chương trình đào tạo bác sỹ y khoa giai đoạn 3, đổi mới chương trình đào tạo sau ĐH; chuẩn bị cho các hoạt động kiểm định chương trình đào tạo... Ông Tú nhấn mạnh thêm nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 của Trường ĐH Y Hà Nội là thực hiện chuyển đổi số, tăng cường quản trị ĐH hiệu quả. Đây là điều kiện quan trọng đối với cải tiến chất lượng sau kiểm định, để thực hiện thành công tự chủ trong những năm tới, nâng cao vị thế và phát triển trường trở thành ĐH Y Hà Nội.
Không riêng gì Trường ĐH Y Hà Nội, hiện nhiều trường ĐH cũng đang trong lộ trình “nâng tầm”. Theo thống kê của Bộ GDĐT, cả nước có 267 cơ sở đào tạo bậc ĐH (chưa tính khối an ninh quốc phòng). Sau ĐH Bách khoa Hà Nội, hiện một số trường ĐH khác cũng đang trong lộ trình chuyển đổi mô hình để trở thành ĐH như: Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Trường ĐH Công nghiệp Hà nội, Trường ĐH Y dược TPHCM…
Mới đây nhất, GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng cho biết, nhà trường đang chuẩn bị các điều kiện hoàn thiện hồ sơ, tiến hành các thủ tục để đề nghị các cấp có thẩm quyền phê duyệt, chính thức chuyển đổi Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thành ĐH Kinh tế Quốc dân vào năm 2025. Để làm được điều đó, trường đã xây dựng các lộ trình cụ thể. Hiện tại, trường đã hoàn thành việc xây dựng và chuyển đổi mô hình tổ chức thành ĐH với 3 cấp, gồm: ĐH, các trường trực thuộc, các khoa. Bên cạnh các đơn vị này là hệ thống đơn vị chức năng, dịch vụ, hỗ trợ công tác đào tạo. Trong nửa cuối của năm 2023, trường sẽ triển khai đề án cơ cấu tổ chức mới gồm 3 trường ĐH trực thuộc, dự kiến là: Trường Kinh tế, Trường Kinh doanh, Trường Công nghệ. Sau đó, tùy theo điều kiện và lộ trình phát triển, một số trường khác sẽ tiếp tục được thành lập.
Theo Nghị định 99 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục ĐH sửa đổi, điều kiện để trường ĐH chuyển thành ĐH là: Được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục ĐH, có ít nhất 3 trường trực thuộc, ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ, quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 sinh viên, có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường ĐH công lập, có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường ĐH tư thục, trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
Liên quan đến vấn đề nâng tầm ĐH, dưới góc độ chuyên gia, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH - CĐ Việt Nam cho rằng, khi các trường chuyển thành ĐH đa lĩnh vực, điều được kỳ vọng nhất là bộ máy sẽ gọn nhẹ hơn, ngân sách được đầu tư tập trung, sinh viên được tự do lựa chọn các môn học, hoặc các chương trình liên ngành ở các trường trực thuộc. Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh rằng, việc chuyển đổi đa lĩnh vực phải đích thực. Thời gian qua, vẫn còn trường hợp khi chuyển từ trường ĐH lên ĐH nhưng hoạt động chưa đúng với tính chất đa lĩnh vực. Nguyên nhân của việc này do việc sáp nhập mới chỉ mang tính cơ học, sự kết nối giữa các trường thành viên rất lỏng lẻo, hoàn toàn độc lập về đào tạo.
Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Minh Sơn, việc nâng cấp từ trường ĐH thành ĐH sẽ giúp các đơn vị tăng tính tự chủ, thể hiện trong việc phân cấp quản lý, quản trị các trường thành viên. Cùng với đó, khi trở thành ĐH, cơ sở này có thể sáp nhập, hợp nhất một số khoa, viện thành viên. Việc thay đổi cơ cấu này mang tính cơ học, nhằm giảm bớt số ngành nhỏ lẻ, tạo ra các trường mang tính liên ngành nhiều hơn. Từ đó, giúp phát triển nghiên cứu khoa học, tăng chất lượng đào tạo. Một ĐH với rất nhiều khoa thì sẽ bị phân mảnh trong quản lý, kém liên kết hơn so với khi sáp nhập các khoa thành trường trực thuộc.
Dẫu thế, trước thực tế nhiều cơ sở giáo dục đang chuẩn bị các điều kiện để chuyển đổi từ trường ĐH thành ĐH, các chuyên gia cảnh báo: Nếu các trường cứ tiếp tục theo nhau trong xu hướng “nâng tầm”, sẽ không giải quyết được vấn đề căn cốt của chất lượng đào tạo bậc ĐH mà chỉ thay đổi được danh xưng.