Khơi dòng cho chiến lược văn hóa
Ngày 27/9, tại Hà Nội, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch) tổ chức Hội thảo khoa học “Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 - Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn”.
Nâng tầm văn hóa
Trong những năm qua, lĩnh vực văn hóa luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, chăm lo và coi trọng. Ở đó, những chuyển động về văn hóa trong thời gian qua đã được minh chứng bằng những kết quả, con số cụ thể, sinh động. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, Nhà nước đã dành nguồn lực nhất định từ ngân sách để tập trung đầu tư phát triển văn hóa, phát triển con người cả từ Trung ương đến địa phương với mức đầu tư được xác định khoảng 1,6-1,7% so với tổng đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước, và tăng dần theo từng giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, số vốn ngân sách Trung ương đầu tư phát triển văn hóa là 9.466 tỷ đồng (đầu tư tại các bộ, cơ quan Trung ương là 4.445 tỷ đồng; đầu tư tại địa phương là 5.021 tỷ đồng), gấp 2,26 lần so với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt, nhằm tạo khung pháp lý cho phát triển văn hóa, ngày 12/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Chiến lược cũng đề ra 8 mục tiêu cụ thể; 11 nhiệm vụ và giải pháp lớn với các chương trình, đề án văn hóa nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả yêu cầu đề ra.
Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, trong quá trình triển khai thực hiện chiến lược, cũng đã xuất hiện những hạn chế, bất cập. Dẫn chứng từ thực tế, theo TS Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL), hiện nay, các chương trình nghệ thuật chất lượng cao, đặc sắc, các sản phẩm văn hóa mang tính hiện đại, công nghệ cao phục vụ quảng bá, giới thiệu đất nước, con người Việt Nam và tiến trình hội nhập quốc tế còn thiếu. Chưa có các sản phẩm, dịch vụ văn hóa xứng tầm để thâm nhập và xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài. Những năm gần đây, bước đầu huy động được sự đóng góp của xã hội, khu vực tư nhân vào các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, tuy nhiên, rất ít các tập đoàn và doanh nghiệp sẵn sàng và đủ tiềm lực để cùng đồng hành, tham gia các hoạt động giao lưu, giới thiệu văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Bên cạnh đó, do trong nước chưa có các cơ chế ưu đãi, nên khó thu hút người Việt Nam ở nước ngoài về làm việc trong nước hoặc các đoàn làm phim quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư trong lĩnh vực văn hóa và thể thao.
Tháo gỡ những điểm nghẽn
Thực tế cho thấy, việc nâng tầm cho văn hoá Việt Nam dù được đầu tư, quan tâm nhưng đến nay vẫn còn có nhiều điểm nghẽn. Đơn cử như lĩnh vực di sản - một trong những niềm tự hào của Việt Nam thì việc đầu tư cho nghiên cứu, đào tạo, cho tu bổ di tích, cho bảo quản hiện vật… từ nguồn ngân sách nhà nước đã thấp, nhưng từ nguồn kinh phí xã hội hóa, dường như, chủ yếu được ưu tiên cho những công trình mới.
Theo TS Phạm Quốc Quân - nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, không thể phủ nhận những công trình mới đem lại hiệu quả cho xã hội, cho cộng đồng, nhưng để cho những chùa chiền, đền miếu cổ bị hủy hoại, xuống cấp là một vấn đề của nhiều địa phương, khiến cho truyền thông phải kêu ca, dư luận xã hội phàn nàn, những chuyên gia lên tiếng. Phải chăng, những con số di tích được xếp hạng cấp tỉnh và thành phố, di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt cần được rà soát và giảm bớt, để một phần hoàn trả lại cho cộng đồng xã hội vốn tạo dựng nên chúng và vẫn còn gắn bó với chúng. Việc tinh hoa hóa di sản sẽ là một trong những đảm bảo thực sự cho công cuộc bảo tồn khả thi di sản ấy.
Cũng theo ông Quân, đây là một giải pháp để tăng thêm trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng, theo đó, nguồn lực xã hội hóa cho công tác bảo vệ, tu bổ, tôn tạo di tích được huy động hiệu quả hơn. “Muốn làm tốt được việc huy động nguồn lực xã hội hóa, cần phải quy định rõ trách nhiệm của chủ sở hữu di sản văn hóa trong việc đầu tư cho bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa do chính họ sở hữu, đồng thời phải xây dựng cơ chế phù hợp để chia sẻ lợi ích công bằng cho các đối tượng liên quan tới nguồn thu từ di sản văn hóa khi tham gia đầu tư” - ông Quân bày tỏ.
Có thể nói, do tính đặc thù đa dạng và phức tạp của văn hóa, cũng như điều kiện cụ thể của đất nước, sự phát triển của văn hóa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được sự mong đợi. Chính vì thế, Việt Nam cần có một cách tiếp cận mới để giải quyết những vấn đề khó khăn mang tính muôn thủa của văn hóa. Đầu tư công - quản trị tư có thể được xem là một giải pháp để thao gỡ những “điểm nghẽn” hiện nay. Bởi văn hóa không chỉ đơn thuần là giải trí thông qua các chương trình biểu diễn, tác phẩm nghệ thuật, hoạt động văn hóa mà còn là nền tảng tinh thần, giá trị và nhận thức của mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Bằng việc triển khai mô hình đầu tư công - quản trị tư, văn hóa sẽ được đặt vào vị trí quan trọng, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Không những vậy, sự phát triển kinh tế, xã hội không thể tách rời với sự thịnh vượng văn hóa. Mô hình đầu tư công - quản trị tư sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện khát vọng phát triển đất nước nhờ vào việc tạo cơ hội cho mọi thành phần xã hội tham gia bảo tồn, làm giàu, phát huy giá trị văn hóa dân tộc.
Theo TS Nguyễn Phương Hòa, trong 10-15 năm nữa, để Việt Nam cơ bản trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, Việt Nam cần đặt mục tiêu phải xuất khẩu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ văn hóa ra thế giới, trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, thu hút ít nhất 50 triệu khách du lịch quốc tế, kinh tế văn hóa, thể thao và du lịch đóng góp hơn 20% vào GDP.