Hậu quả khi tự ý đắp thuốc chữa bệnh
Dù có rất nhiều lần cảnh báo về tác hại của việc tự điều trị bằng các phương pháp dân gian, truyền miệng. Thế nhưng, các bệnh viện vẫn tiếp nhận không ít trường hợp nhập viện điều trị do nhiễm trùng vết thương mà nguyên nhân là tự đắp thuốc tại nhà.
Một ca bệnh điển hình vừa được ghi nhận tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, bệnh nhân L.V.B. (59 tuổi, trú tại TP Uông Bí, Quảng Ninh) nhập viện với vết thương vùng lưng trái nhiễm trùng tấy đỏ, chảy dịch. Bệnh nhân cho biết, trước đó có đi châm cứu do đau vùng thắt lưng. Sau khoảng 10 ngày thấy vùng châm cứu sưng đau nhiều. Thay vì đến viện để thăm khám và điều trị, người bệnh đã tự đắp thuốc theo nhiều người mách. Sau đắp thuốc tình trạng đau nhức không thuyên giảm mà còn tấy đỏ, chảy dịch. Lúc này người bệnh mới đến bệnh viện để khám và điều trị.
Theo BS Vũ Trung Kiên - phụ trách Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí), việc bệnh nhân B. tự điều trị bằng cách châm cứu tại các cơ sở y tế không đảm bảo đã là một nguy cơ tiềm ẩn nhiễm trùng, hơn nữa lại tự ý đắp thuốc vào các vết thương hở lại càng nguy hại. Tại bệnh viện đã có những trường hợp nhập viện với các vết thương hở bị nhiễm trùng biến chứng nhiễm trùng máu do tự đắp thuốc.
Đáng ngại hơn khi tình trạng tự chữa bệnh tại nhà dẫn tới hậu quả phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch không chỉ xảy ra ở người lớn, thực tế cho thấy không ít trẻ em đã phải gánh chịu hậu quả. Một trường hợp cụ thể, bệnh nhi K.T.N.V. (8 tuổi, ở huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) bị bỏng điện 1% độ IV gây tổn thương bỏng mô cái và ngón 4 bàn tay phải. Sau khi con bị bỏng điện, gia đình đã tự đắp thuốc nhưng không đỡ nên đã nhập viện điều trị.
BS Nguyễn Văn Thưởng - Khoa Chấn thương chỉnh hình – bỏng (Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An) cho biết: Trẻ bị bỏng điện, nhưng do người nhà tự ý điều trị tại nhà nên trẻ bị nhiễm trùng nặng, ngón tay lộ xương dẫn tới việc điều trị rất khó khăn, dễ để lại hậu quả đáng tiếc cho trẻ.
BSCKII Phùng Công Sáng - Phụ trách Đơn vị Bỏng, Phó Trưởng khoa Chỉnh hình (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, dù đã có rất nhiều cảnh báo về các biến chứng nặng nề có thể gặp phải khi đắp lá cây để xử lý vết thương, vết bỏng, tuy nhiên vẫn nhiều gia đình tự ý điều trị tại nhà, dẫn đến các hậu quả đáng tiếc đã xảy ra.
Chuyên gia lý giải, đắp lá cây, các loại thuốc điều trị theo kinh nghiệm mà chưa được kiểm chứng và không đảm bảo sạch vào vết thương, vết bỏng là việc làm rất nguy hiểm, có thể khiến tổn thương nặng thêm, viêm nhiễm lan rộng hơn hoặc từ không nhiễm trùng thành nhiễm trùng. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, gây ra các biến chứng như: Viêm mủ màng tim, màng não, viêm mủ màng phổi, áp xe phổi, viêm xương tủy xương, thậm chí tử vong hoặc để lại những di chứng suốt đời cho trẻ…
“Chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp bệnh nhi, nếu được đưa đến bệnh viện kịp thời khi trẻ mới bị bỏng, sơ cứu tốt thì việc điều trị sẽ đơn giản hơn nhiều và cũng đỡ tốn kém tiền bạc, thời gian của gia đình. Tuy nhiên, do gia đình đưa đến bệnh viện muộn, vùng bỏng bị nhiễm trùng nặng đã hoại tử sâu, việc điều trị phức tạp hơn, có khi còn phải phẫu thuật nhiều lần và để lại di chứng cho trẻ sau này” – BS Sáng cho hay.
Các bác sĩ khuyến cáo, không nên coi thường những vết thương nhỏ, đặc biệt đối với các tổn thương hở tuyệt đối không nên tự ý mua và sử dụng bất cứ loại thuốc gì khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Bởi nó có thể khiến tình trạng bệnh càng nghiêm trọng hơn, đi kèm với đó là rất nhiều biến chứng có thể xảy ra, gây khó khăn cho điều trị.