Thừa Thiên - Huế: Giúp đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo
Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai đồng bộ và có hiệu quả nhiều chính sách dân tộc, nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2016-2022, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách đầu tư cho vùng đồng bào DTTS, trọng tâm là Chương trình 135, Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020 và mới đây nhất Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719), giai đoạn I từ 2021-2025.
Những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, việc thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc, đặc biệt là Chương trình MTQG 1719 bước đầu đã đem lại nhiều hiệu quả, giúp người dân vùng đồng bào DTTS phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong năm 2022, tổng vốn được giao cho các đơn vị, địa phương là 129,180 tỷ đồng (trong đó vốn đầu tư phát triển là 93,55 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 35,63 tỷ đồng). Đến nay, cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi đã được đầu tư xây dựng cơ bản, 96 công trình giao thông, 8 công nước sinh hoạt, 9 nhà sinh hoạt cộng đồng. Có 4 hộ được hỗ trợ đất sản xuất; 165 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề, 190 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán; hoàn thành 7 công trình định canh định cư và khởi công xây mới 6 hạng mục công trình thuộc các điểm định canh định cư…
Bên cạnh đó, bằng nhiều chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên của người dân, nhiều mô hình phát triển kinh tế của nhiều hộ dân tại địa phương đã trở thành điểm sáng, là tấm gương cho bà con noi theo.
Điển hình là mô hình hợp tác xã (HTX) thổ cẩm xanh Aza Kooh do nghệ nhân Mai Thị Hợp (ở xã Lâm Đớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế) làm chủ nhiệm đã thu hút nhiều xã viên là hội viên phụ nữ tại địa phương tham gia. Theo bà Hợp, đến nay, HTX này có nhiều người có tay nghề dệt zèng và tạo ra tổng doanh đạt mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, đã tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động tại phương, giúp người dân có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.
Ngoài ra, nhiều mô hình phát triển kinh tế như trồng cây dược liệu, chuối già lùn, nuôi cá tầm… bước đầu đã mang lại hiệu quả cao cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo ở các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh đạt và vượt chỉ tiêu đề ra trong năm 2022. Cụ thể, tại huyện A Lưới tỷ lệ hộ nghèo còn 38,2%; huyện Nam Đông còn 5,3%.
Ông Hồ Xuân Trăng - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, với sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, việc thực hiện chính sách dành cho đồng bào DTTS ở địa bàn tỉnh đã đem lại nhiều kết quả thiết thực. Cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi được đầu tư xây dựng cơ bản, nhiều công trình giao thông, công trình nước sinh hoạt, thủy lợi... được xây dựng, nhiều hộ được hỗ trợ đất sản xuất. Từ đó, tạo mọi điều kiện tốt nhất giúp người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo.