Lạc vào thủ phủ muối
Làng muối ở ấp Vĩnh Tiến (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) hình thành cách đây gần 100 năm. Cái nghề trong lúc nông nhàn của 6 tháng nắng giờ đã thành cái nghiệp của nhiều thế hệ diêm dân. Tuy nhiên, người dân ở đây vẫn nói với nhau, nghiệp gì mà... ngọt ngào thì ít, đắng cay lại nhiều.
Anh Nguyễn Quốc Lợi, 37 tuổi, có thâm niên 20 năm làm nghề muối. Cái nghề cha truyền con nối đã 3 đời nay. Mời khách nếm thử hạt muối vừa vốc lên, anh hỏi tôi: “Mặn và hơi chát phải không?”. Rồi không đợi tôi trả lời, anh nói luôn: “Nó cũng như cái nghề quanh năm bán mặt cho đất, cho biển, nhưng chưa bao giờ nghĩ mình có thể làm giàu từ sản vật quê hương”.
Cứ nghĩ cái nghề này đơn giản “lấy nước lã vã nên hồ”, chỉ cần bơm nước biển vào ruộng, đợi nắng lên, nước bốc hơi, muối kết tinh là lấy bán… Nhưng thực tế, anh Lợi bảo, không đơn giản như thế. Cả ngày phải phơi mặt dưới cái nắng chói chang, rát bỏng, mồ hôi ướt đầm lưng, bàn tay loang lổ những vết trầy xước. Hạt muối thu được có vị mặn mòi của biển và cả vị mặn đắng của mồ hôi diêm dân.
Dẫn chúng tôi ra những tu muối đang trữ lại chờ giá, anh Nguyễn Thanh Mộng (ấp Vĩnh Tiến) cho biết, làm nghề muối vất vả, phải xoay xở, co kéo lắm mới đủ sống. Mang tiếng là xứ sở sản xuất ra hạt muối hồng nổi tiếng nhưng thời gian qua nhiều hộ diêm dân dở khóc, dở cười do giá muối sụt giảm, trong khi mọi chi phí sản xuất đều tăng, khiến khó cứ chồng khó.
“Thời tiết giờ cực đoan, mưa nắng bất thường, nhiều cơn mưa trái mùa đổ xuống, người tính không được, chỉ trong phút chốc, cánh đồng muối tan chảy hết, thế là trắng tay. Tôi chỉ mong Nhà nước hỗ trợ vay vốn để chuyển từ cách làm muối truyền thống sang làm muối trải bạt ngắn ngày, tức là chỉ cần trong vòng 7 ngày là có thể cào muối, nhưng cũng khó quá” - anh Mộng bộc bạch.
“Giá muối phải trên dưới 5.000 đồng/kg thì mới có lãi chút ít, đằng này có thời điểm 1kg muối chỉ có giá 1.000 đến 2.000 đồng/kg thì sống làm sao” - anh Nguyễn Thanh Sang (ấp Vĩnh Tiến) nói và cho biết, với diện tích 2ha, nếu làm muối trải bạt anh phải đầu tư hơn 60 triệu đồng. Nhưng vốn ở đâu ra, làm cái nghề này, đủ ăn đã khó, lấy đâu vốn liếng để đầu tư.
Ông Trần Chí Tính, cán bộ Địa chính - Nông nghiệp xã Vĩnh Thịnh cho biết, các cánh đồng muối trên địa bàn xã dần thu hẹp để chuyển đổi sang mô hình sản xuất khác. Nếu như những năm trước diện tích muối ở đây từ 500 - 600ha với khoảng vài trăm hộ sản xuất thì hiện nay xã chỉ còn gần 30 hộ dân bám trụ với diện tích chỉ hơn 118ha.
“Diêm dân ở đây mong muốn được đầu tư hạ tầng để phát triển nghề muối, nhất là đối với hệ thống thuỷ lợi kênh mương dẫn nước, thoát nước. Đặc biệt là người dân cần được đảm bảo đầu ra cho hạt muối, giúp cho giá cả ổn định, để khó nhọc, vất vả nhưng vẫn sống được bằng nghề” - ông Tính nói.
Huyện Đông Hải được xem là vùng sản xuất muối trọng điểm của tỉnh Bạc Liêu. Nhưng vài năm gần đây, cuộc sống của diêm dân chật vật hơn vì giá cả đều tăng trong khi giá muối dường như vẫn đứng im.
Hợp tác xã diêm nghiệp Huy Điền ở huyện Đông Hải có diện tích và quy mô làm muối lớn ở Bạc Liêu với 20ha. Ông Nguyễn Hoàng Quốc - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã diêm nghiệp Huy Điền cho biết, chưa có hộ gia đình nào khá lên từ làm muối. Mặc dù vậy, mọi người vẫn gắn bó với nghề truyền thống.
Ông Trần Tuấn Kiệt - Chủ tịch UBND huyện Đông Hải cho biết, toàn huyện Đông Hải có 4 hợp tác xã sản xuất muối với trên 210ha, sản lượng 3.700 tấn, bình quân 17,5 tấn/ha. Đa số diêm dân vùng muối trên địa bàn huyện là những hộ khó khăn, thiếu vốn và không đủ điều kiện để áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Việc liên kết trong sản xuất như thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã cũng chưa thực hiện được. Do đó, địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm cho bà con.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều chia sẻ, thời gian qua, đời sống của diêm dân vẫn gặp rất nhiều khó khăn, điệp khúc được mùa rớt giá lặp đi lặp lại. Nguyên nhân một phần do chính quyền các địa phương chưa có giải pháp hữu hiệu cho ngành muối, vì vậy nghề muối vẫn bấp bênh, diêm dân vẫn khó...
Tin vui là tỉnh Bạc Liêu đã đề xuất và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý cho tổ chức Festival Muối vào tháng 4/2024 để tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm muối trong nước nói chung, tỉnh Bạc Liêu nói riêng. Trước đó, năm 2013 muối Bạc Liêu được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy Chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, và năm 2020 Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận “Nghề làm muối ở Bạc Liêu” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhưng dẫu thế thì vẫn còn đó vấn đề đáng lưu tâm là: Nếu như năm 2011, toàn tỉnh Bạc Liêu có hơn 3.000ha sản xuất muối, thì năm 2022 chỉ còn khoảng 1.411ha.