Năng động, sáng tạo trong đổi mới tổ chức ngày hội Đại đoàn kết
Sáng 28/9, tại Hội nghị của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW về tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, nhiều ý kiến tâm huyết đã thảo luận vào nội dung Nghị quyết của Đoàn Chủ tịch về đổi mới, nâng cao chất lượng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới.
Nói lên những tâm huyết, trăn trở đối với việc tổ chức Ngày hội, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm cho biết, sau 20 năm, Ngày hội được triển khai tổ chức ngày càng sâu rộng ở hầu hết khu dân cư trên phạm vi cả nước, trở thành nét đẹp truyền thống mang tính toàn quốc, toàn dân, toàn diện. Ngày hội là dịp để tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về lịch sử và truyền thống vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam; vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là nòng cốt trong tập hợp phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong thời gian tới, ông Huỳnh Đảm cho rằng cần phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ MTTQ chuyên trách, trong đó phát huy sự năng động, sáng tạo của cán bộ Mặt trận ở khu dân cư trong việc đổi mới nội dung, hình thức tổ chức ngày hội. Việc tổ chức Ngày hội phải phù hợp với tình hình thực tế từng địa bàn dân cư, tránh hành chính hóa để tạo không khí đầm ấm, vui tươi, thu hút được sự tham gia hưởng ứng của đông đảo người dân.
Từ thực tiễn địa phương, bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội cho biết, sau 20 năm triển khai thực hiện, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng đổi mới về nội dung, hình thức và được nâng cao về chất lượng, hiệu quả, gắn với "thương hiệu" của MTTQ Việt Nam, là sự chờ đợi của người dân trên địa bàn dân cư.
Theo bà Nguyễn Lan Hương, Ngày hội Đại đoàn kết là dịp để khẳng định sức mạnh của toàn dân tham gia trên mọi lĩnh vực của quá trình phát triển địa phương. Trong dịp tổ chức Ngày hội, toàn Thành phố Hà Nội đã có hơn 4.300 công trình dân sinh được khánh thành, trên 9.900 ngôi nhà đại đoàn kết được xây mới, 3.940 ngôi nhà đại đoàn kết được sửa chữa. Đặc biệt là sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến với nhân dân trong Ngày hội, được trực tiếp lắng nghe, trao đổi với nhân dân, cởi mở, thân tình, từ đó nhân dân ngày càng có niềm tin vững chắc hơn với Đảng, cấp ủy, chính quyền địa phương.
Chia sẻ về những đổi mới của Hà Nội, bà Lan Hương cho rằng, điểm nhấn trong việc tổ chức Ngày hội phải kể đến là việc ứng dụng công nghệ thông tin. Thông qua nền tảng số, fanpage của MTTQ Việt Nam, các phương tiện phát thanh, truyền hình, không khí ngày hội được lan tỏa rộng rãi đến từng hộ gia đình, từng người dân trong cộng đồng dân cư. Việc tuyên truyền về truyền thống MTTQ Việt Nam cũng như các chủ trương, chính sách phát triển của địa phương đã tiếp cận rất nhanh và đến gần người dân hơn.
Để đổi mới nâng cao chất lượng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội cho rằng cần phát huy sự năng động, sáng tạo của Ban Công tác Mặt trận khu dân cư trong việc đổi mới nội dung, hình thức và lựa chọn nội dung tổ chức Ngày hội phù hợp với thực tiễn từng địa phương, đơn vị. Cùng với việc phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong tham gia Ngày hội, cần tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa, làm phong phú hơn nội dung, phương thức tổ chức Ngày hội.
Đề cập đến tình hình hiện nay, chất lượng triển khai Ngày hội ở nhiều nơi không đồng đều và còn mang tính hình thức, ông Nguyễn Văn Hồi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh kiến nghị cần xác định Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc chính là ngày hội của nhân dân. Khi nào Mặt trận khơi dậy tinh thần làm chủ, tinh thần tự giác, ý thức tham gia của nhân dân thì Ngày hội mới thành công. Khi người dân hiểu được ý nghĩa của Ngày hội thì cấp uỷ, chính quyền, MTTQ các cấp cần tạo được không khí thi đua để người dân tham gia vào các phong trào thi đua, các cuộc vận động, tham gia vào những hoạt động của Ngày hội.
Cho rằng thi đua không thì chưa đủ mà phải tạo được không khí có điểm nhấn để người dân thực sự tham gia Ngày hội, ông Nguyễn Văn Hồi cho biết, hai năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức một ngày hội chung của toàn tỉnh để các lãnh đạo địa phương đến với nhân dân, tham dự với người dân, điều này đã thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa đảng với nhân dân. Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh cũng hỗ trợ nguồn kinh phí để tất cả các khu phố trên địa bàn tỉnh tổ chức Ngày hội. Ngày hội Đại đoàn kết đã trở thành Ngày hội non sông của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.