Chung tay đẩy lùi nạn tảo hôn
Đời sống vẫn còn khó khăn, trình độ dân trí còn thấp cùng những hủ tục vẫn còn tồn tại đã khiến cho tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang vẫn còn. Trước thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã đưa ra các giải pháp toàn diện để đẩy lùi và giảm thiểu tình trạng này.
Thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2021-2025”, qua 3 năm triển khai thực hiện Đề án (giai đoạn II), tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào DTTS của tỉnh Tuyên Quang vẫn còn xảy ra, nhất là ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Trong giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh có 10.043 cặp kết hôn, trong đó có 319 cặp vợ chồng tảo hôn chiếm 3,1%/tổng số cặp kết hôn. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 59 cặp tảo hôn/1.936 cặp kết hôn, chiếm 3,0%. Mức giảm tỷ lệ tảo hôn trong giai đoạn 2021-2023 chưa đạt mục tiêu của Quyết định 498/QĐ-TTG ngày 14/4/2015 đề ra.
Trước thực trạng trên tỉnh Tuyên Quang đã đẩy mạnh các biện pháp, nâng cao hiệu quả, góp phần ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống một cách triệt để nhất. Bà Hoàng Thị Thắm, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang cho biết, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, trong năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS” trên địa bàn các huyện, xã, trường THCS, THPT và trường Dân tộc nội trú, bán trú. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo cấp xã, các tổ tư vấn thôn, bản trong việc tuyên truyền, tư vấn cho nhân dân, giải quyết các vụ việc liên quan đến hôn nhân và gia đình tại thôn, bản.
“Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiến hành rà soát, khảo sát xác định thực trạng, nguyên nhân và các yếu tố tác động đến hành vi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở từng nhóm DTTS, từng địa phương. Triển khai nghiên cứu các chuẩn mực văn hóa, tập quán của đồng bào DTTS ở địa phương để đánh giá, xác định những yếu tố ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến tình hình tảo hôn và hôn nhân cận huyết; những yếu tố có ảnh hưởng, tác động tích cực đến công tác phòng chống, ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, bà Hoàng Thị Thắm chia sẻ.
Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh còn đưa ra các biện pháp phù hợp để khuyến khích thanh, thiếu niên DTTS tham gia các hoạt động của mô hình, đặc biệt là nhóm có nguy cơ cao về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tăng cường tiếp cận thông tin và giáo dục cho học sinh, người trong độ tuổi từ 13 tuổi đến 18 tuổi hiểu biết về sức khỏe sinh sản và nhận thức về hôn nhân và gia đình. Đảm bảo cho thanh, thiếu niên người DTTS có khả năng tiếp cận các dịch vụ chất lượng về chăm sóc sức khỏe sinh sản, dịch vụ tư vấn về tâm lý và các dịch vụ xã hội khác.
Để đảm bảo các mục tiêu theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 498/QĐ-TTg, ông Nguyễn Thế Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang yêu cầu các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong triển khai thực hiện Đề án, thực hiện các quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình. Đưa mục tiêu, nhiệm vụ về thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào Nghị quyết của cấp ủy đảng, chương trình, kế hoạch công tác hằng năm của chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương. Bên cạnh đó, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình. Người đứng đầu, chính quyền các cấp cần phát huy hơn nữa vai trò trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; chịu trách nhiệm về công tác ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở địa phương.
“Đặc biệt, tỉnh sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thường xuyên bám sát cơ sở, theo dõi, nắm bắt thông tin, tăng cường quản lý và xử lý vi phạm về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thông qua việc quản lý chặt chẽ nhân khẩu trên địa bàn; kịp thời phát hiện các cặp chưa đủ tuổi kết hôn nhưng chung sống với nhau như vợ chồng… Từ đó, có các biện pháp tuyên truyền, vận động và xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Nguyễn Thế Giang cho biết.
Việc tăng cường thực hiện đồng bộ các biện pháp là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết để tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống có những chuyển biến tích cực.