Thúc đẩy hợp tác và đầu tư trong giáo dục

T.Linh 28/09/2023 14:59

Vào dịp đầu mỗi năm học mới, vấn đề hợp tác công - tư trong giáo dục lại là đề tài được tranh luận sôi nổi. Có ý kiến ủng hộ nhưng cũng có ý kiến phản đối, nhất là mô hình liên kết giáo dục trong các trường công lập.

Hợp tác công - tư tạo sự bình đẳng cho học sinh trong tiếp cận giáo dục.

Hợp tác công - tư không phải là tư nhân hóa

Tập đoàn Giáo dục EQuest vừa tổ chức buổi gặp gỡ chia sẻ về hợp tác công tư và chuyển đổi số trong giáo dục, diễn ra ngày 27/9 tại Hà Nội. Tại buổi chia sẻ, các chuyên gia nhận định, việc hợp tác công - tư trong lĩnh vực giáo dục luôn là đề tài “nóng" gây tranh luận. Nhưng thực tế, chúng ta vẫn chưa quan tâm đúng mức và hiểu rõ về hình thức hợp tác này.

Thông tin từ Ban tổ chức, hợp tác công - tư trong giáo dục (ePPP) được hiểu là một thỏa thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với tư nhân dưới dạng hợp đồng để thực hiện việc quản lý, vận hành dự án đầu tư cơ sở vật chất - thiết bị, cung cấp dịch vụ công trong các trường học với những quy định cụ thể về chia sẻ trách nhiệm, phương pháp, năng lực, rủi ro giữa các bên nhằm đạt được mục tiêu chung cũng như thoả mãn nhu cầu các bên. Nhưng điều cần nhấn mạnh ở đây ePPP không phải là tư nhân hoá.

Theo ông Bạch Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục EQuest: ePPP không có điều khoản thiên vị một bên nào, không bên nào chi phối kiểm soát bên nào, hai bên có mối quan hệ bình đẳng; là sự chuyển giao cố định sự kiểm soát của cơ quan Nhà nước sang khu vực tư nhân và không có quan hệ đối tác.

Ông Đào Phương Bắc - Chuyên gia về tư vấn chiến lược Công ty CP Tư vấn EY Việt Nam đồng tình và chia sẻ thêm: Hợp tác công tư được thể hiện rõ nét trong các lĩnh vực hạ tầng như giao thông, điện, nước… và đã được thực hiện thời gian dài tuy nhiên trong lĩnh vực giáo dục hoạt động này chưa thực sự rõ nét. Đặc biệt chưa thể hiện rõ vai trò, ý nghĩa, cách thức thực hiện.

Hợp tác công - tư trong giáo dục của Việt Nam khởi nguồn từ các hợp đồng, dự án liên kết giữa các trường công và các doanh nghiệp giáo dục tư nhân để tối ưu hóa nguồn lực của các bên và bù đắp các năng lực còn thiếu trong khối trường công. Các doanh nghiệp tư nhân đã góp phần hiện thực hóa được các chủ trương, chính sách của Chính phủ về giáo dục ngoại ngữ, STEM, góp phần giải quyết được vấn đề thiếu giáo viên các môn học này và nâng cao năng lực cho giáo viên trường công…

Tuy nhiên, theo ông Bạch Ngọc Chiến, hình thức hợp tác này đang gặp phải những khó khăn nhất định. Đó là cơ sở pháp lý chưa đầy đủ, thiếu văn bản hướng dẫn chi tiết; Thực hiện các văn bản hướng dẫn chưa đồng bộ giữa các địa phương; Phụ thuộc vào ý chí của nhà quản lý…

Xu thế tất yếu trong thời hiện đại?

Dù còn một vài vướng mắc, song ông Bạch Ngọc Chiến khẳng định: "ePPP là quốc sách phù hợp với xu thế chung của thế giới và tất yếu phải thực hiện. ePPP đang có các bước phát triển ban đầu, khẳng định được vai trò của khối tư nhân trong giáo dục. Các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện là tất yếu, cần điều chỉnh chính sách hoặc xây dựng cơ chế quản lý hiệu quả".

Học sinh trường công lập được học tiếng Anh với giáo viên bản xứ ngay tại trường thông qua mô hình hợp tác công - tư.

Đồng tình quan điểm, bà Đàm Bích Thủy - Thành viên Hội đồng quản trị độc lập EQuest chia sẻ: “Hợp tác công - tư, phần tư sẽ luôn tồn tại vì nhu cầu là có thật và cần phải được giải quyết”.

Theo bà Thủy, hợp tác công - tư sẽ phải được thực hiện bởi có nhiều vấn đề dựa hoàn toàn vào Nhà nước sẽ rất khó, cần có sự tham gia của khu vực tư nhân, làm nhẹ đi gánh nặng cho ngân sách.

"Ví dụ đơn giản như chuyện mua điều hòa cho con trong một lớp học cũng còn xảy ra tranh cãi, có phụ huynh đồng ý mua có phụ huynh không, rồi bàn cách giải quyết là góp tiền hay tìm nguồn đầu tư, xã hội hóa… Thế thì chuyện hợp tác công - tư trong lĩnh vực giáo dục dù rất nhạy cảm, trước sau cũng phải tính đến" - bà Thủy nhận định.

Một ví dụ về hợp tác công - tư trong giáo dục mang lại nhiều lợi ích được kể đến là mô hình trực tiếp kết hợp trực tuyến (iLINK) của Công ty ISMART (thuộc Tập đoàn EQuest) thực hiện tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), huyện Nam Trực (Nam Định) và huyện Thái Thuỵ (Thái Bình) với 9.702 học sinh tham gia.

Tại Mù Cang Chải, vào một giờ cố định 1 giáo viên của ISMART kết nối trực tuyến tới 117 lớp học của 16 điểm trường trên toàn huyện và cùng 117 giáo viên địa phương dẫn dắt buổi học cho gần 3.700 học sinh theo một kịch bản chi tiết đã được gửi trước và sử dụng bài giảng số đã được cài đặt sẵn tại các máy tính ở lớp học.

Điều khác biệt lớn nhất của mô hình iLINK là việc xây dựng năng lực cho giáo viên địa phương. Theo mô hình này, các giáo viên địa phương được tập huấn để sử dụng thành thạo phần mềm bài giảng số, quy trình dạy bài giảng số và phối hợp với giáo viên chính từ Hà Nội. Các buổi tập huấn được tiến hành trực tiếp và trực tuyến, các giáo viên được kiểm tra đánh giá. Tổng số 604 giáo viên đã được ISMART đào tạo trong đó có rất nhiều giáo viên tiếng Anh trong khuôn khổ chương trình này tại ba huyện nói trên.

Những khó khăn về thiếu lớp học, thiếu giáo viên, giáo viên không chất lượng, khối tư nhân đều có đóng góp quan trọng trong việc giải quyết. Các trường tư thục được mở ra ngày càng nhiều. Các chương trình hợp tác giữa trường công và doanh nghiệp tư nhân trong việc dạy tiếng Anh và STEM đã được triển khai. Sự thiếu giáo viên đã được bù đắp bằng nguồn lực từ các doanh nghiệp. Đặc biệt hơn, các giáo viên địa phương khi tham gia chương trình hợp tác này đều thu nhận được kiến thức và phương pháp sư phạm mới, qua đó nâng cao chất lượng giảng dạy chính khoá.

"Sự hợp tác này là biểu hiện thực tế của mô hình hợp tác công - tư trong giáo dục. Ngay cả các nước phát triển cũng phải áp dụng mô hình hợp tác này để đáp ứng nhu cầu giáo dục ngày càng cao của xã hội" - ông Chiến khẳng định.

T.Linh