Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững
“Chuyển đổi xanh” là một trong những nội dung quan trọng của phát triển kinh tế bền vững. Mục tiêu của chuyển đổi xanh đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Việt Nam không nằm ngoài xu thế chung khi đang hướng dần đến các mục tiêu chuyển đổi xanh.
Thay đổi từ nhận thức đến hành động
Phát biểu tại phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 năm 2023 với chủ đề "Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà khoa học công nghệ phát triển như vũ bão và thực sự đang bước vào giai đoạn phát triển mới với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Việc chuyển đổi theo mô hình tăng trưởng mới dựa trên nền tảng là năng suất và đổi mới sáng tạo, giảm bớt sự phụ thuộc vào những lợi thế cạnh tranh cũng như tài nguyên thiên nhiên hay nguồn nhân công giá rẻ, kinh tế Việt Nam đã đạt được những bước phát triển mới, nhiều thành quả.
Thủ tướng nêu rõ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có chuyển đổi số và tăng trưởng xanh đã tác động toàn diện, sâu sắc đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam trên các lĩnh vực với những khía cạnh chủ yếu. Việt Nam ý thức rõ về cơ hội và yêu cầu nên đã chủ động thích ứng, đổi mới để phát triển; thay đổi từ nhận thức đến hành động để tận dụng cơ hội và thích ứng với thách thức của thời đại số, tăng trưởng xanh.
Việt Nam là quốc gia đã có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ về đổi mới sáng tạo trong 12 năm liền và tiếp tục được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) coi là quốc gia đạt tiến bộ về đổi mới sáng tạo một cách có hệ thống và có tiềm năng lớn. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, với xuất phát điểm chậm hơn nên hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn còn có khoảng cách so với một số nước trong khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân". Cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy từ quản lý sang kiến tạo phát triển, kịp thời giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra với tầm nhìn, chiến lược dài hạn để dẫn dắt, định hướng phát triển.
Nguồn lực bên trong gồm con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa lịch sử. Nguồn lực bên ngoài gồm nguồn vốn, công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực… Khơi dậy nội lực, khuyến khích mạnh mẽ sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân trong nước, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin, hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế. Đồng thời tăng cường liên kết giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn đa quốc gia với doanh nghiệp trong nước trong phát triển chuỗi cung ứng của các ngành công nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực phát triển.
“Đảng, Nhà nước Việt Nam rất coi trọng, xem chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Xu thế tất yếu nhưng không dễ dàng
“Chuyển đổi xanh” là xu thế tất yếu, tuy nhiên cũng không phải dễ dàng, nhất là cần đầu tư lớn để chuyển đổi hệ thống từ “nâu” sang “xanh”. Ước tính của Ngân hàng thế giới (WB), để hiện thực hóa mục tiêu hướng tới phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 nhằm thực thi cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam sẽ cần tới 380 tỷ USD. Đây thực sự đòi hỏi một nguồn lực rất lớn.
Theo ông Vương Thành Long (Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV), thông thường các dự án xanh có quy mô lớn nên thường yêu cầu vốn đầu tư cao và vay trong dài hạn. Do đó, nếu chỉ trông chờ vào vốn tự có của doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. “Quan sát trong vòng chục năm nay, sự tích lũy vốn và sức mạnh tài chính nội tại của doanh nghiệp vẫn khá mỏng” - ông Long đánh giá và cho rằng khả năng cung ứng vốn của hệ thống ngân hàng cũng khó khăn, khó khuyến khích các nhà đầu tư nếu lãi suất không ưu đãi.
Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Minh Vũ - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, chúng ta tăng trưởng không phải bằng mọi giá, làm ảnh hưởng đến môi trường hay là làm cho bất bình đẳng xã hội gia tăng, mà chúng ta phải tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh, tăng trưởng sáng tạo. Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư cho đất nước và các địa phương, cũng là dịp tái cấu trúc lại các mối quan hệ kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh sao cho phù hợp với định hướng của Chính phủ là tái cấu trúc mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững.
Tuy nhiên, ông Vũ cho rằng, quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong đó có tác động từ kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, tác động nhất định đến kinh tế vĩ mô, làm cho quá trình phục hồi kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro, buộc các nhà hoạch định chính sách và các địa phương không chỉ tính đến phát triển bền vững lâu dài, mà phải khắc phục những khó khăn, bất cập trước mắt đang đặt ra đối với doanh nghiệp, người dân và các địa phương. Trong khi quá trình chuyển đổi sang tăng trưởng xanh chính là tăng trưởng bền vững vì thế cần nhiều nỗ lực hơn.
Trong khi đó, theo ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, thì yêu cầu về “hội tụ nguồn lực” và chuyển đổi sang mô hình “tăng trưởng xanh” là những giải pháp căn cơ lâu dài để tăng sức chống chịu của nền kinh tế và phát triển bền vững đất nước. Để tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững, Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc kêu gọi đầu tư nước ngoài, mà phải huy động mạnh mẽ, hội tụ được các nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển, cũng như nhanh chóng chuyển đổi sang mô hình “tăng trưởng xanh”.
Ông Thi cũng cho rằng, xu hướng cạnh tranh trên toàn cầu sẽ là “cạnh tranh xanh”, do đó thành công và dẫn dắt xu hướng này sẽ thuộc về các nền kinh tế, các địa phương, các doanh nghiệp và người dân biết nắm bắt sớm, hành động ngay và không ngừng thúc đẩy chuyển đổi xanh. "Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp chính là những thành tố cốt yếu thúc đẩy và đảm bảo môi trường xanh, kinh tế xanh và xã hội xanh hướng tới phát triển bền vững, sáng tạo" - ông Thi nhấn mạnh.
Riêng về lĩnh vực nông nghiệp, phát biểu tại Hội nghị "Chuyển đổi số hướng tới nông nghiệp xanh và phát triển bền vững" mới đây do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tổ chức, ông Patrick Haveman - Phó Trưởng đại diện UNDP cho rằng, Việt Nam đã thực hiện các bước chuyển đổi để thúc đẩy nông nghiệp thông minh với khí hậu kể từ Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris năm 2015. Tuy nhiên, hàng chục triệu nông dân ở Việt Nam đang phải đối mặt trực tiếp với các tác động của khí hậu cực đoan.
Ông Patrick Haveman tin tưởng rằng nếu thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng có hệ thống các giải pháp kỹ thuật số tiên tiến, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ có tính cạnh tranh hơn. Việc dán “nhãn xanh” sẽ làm cho hàng hóa của Việt Nam nổi bật về môi trường và lợi thế cạnh tranh “xanh”.
"Nhãn xanh" là chứng nhận việc tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế về môi trường, thiên nhiên, bảo vệ hệ sinh thái và an toàn thực phẩm.