Thôi thúc độc giả tìm đến sách

QUỲNH HOA 14/10/2023 10:38

Tác động trực tiếp của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bên cạnh những điều kiện thuận lợi thì việc xây dựng, phát triển văn hóa đọc cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức.

Trước sự lấn át của các phương tiện truyền thông mới, đặc biệt là các thông tin, hình ảnh thời sự, các chương trình vui chơi, giải trí trên không gian mạng đã thu hút phần lớn thời gian rảnh rỗi của giới trẻ. Điều này cũng là một nguyên nhân dẫn đến một bộ phận giới trẻ thiếu quan tâm đến sách và việc đọc sách truyền thống. Đối diện với “nốt trầm” của ngành thư viện, TS Phạm Việt Long - Chủ tịch Hội đồng quản lý Nhà xuất bản Dân trí đã đề ra những giải pháp nhằm thôi thúc độc giả tìm đến sách.

PV: Thưa ông, ông có cho rằng trước khi cần thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động thư viện, ngành văn hóa cần chú trọng tìm ra những giải pháp để đưa độc giả trẻ tiếp cận nhiều hơn với văn hóa đọc?

TS Phạm Việt Long.

TS PHẠM VIỆT LONG: Trước đây, ngoài đọc báo giấy, nghe đài, sau đó xuất hiện thêm loại hình truyền hình, cho nên văn hóa đọc được tập trung vào sách in. Còn hiện nay, văn hóa đọc bị phân tán sang nhiều phương tiện truyền thông khác như chương trình truyền hình, mạng xã hội, sách điện tử…

Vì vậy, tôi chưa thể kết luận văn hóa đọc đang đi lên hay đi xuống. Chỉ biết rằng, điều này đã làm cho hệ thống thư viện bớt hấp dẫn hơn trước. Đây cũng là sự lý giải cho việc tại sao bạn đọc không còn “mặn mà” với thư viện.

Bên cạnh đó, vấn nạn in sách lậu cũng làm ảnh hưởng đến các nhà xuất bản và tác giả chân chính. Từ đó, công tác xuất bản bị trùng lại, phát hành gặp khó khăn. Chính vì thế nhuận bút giảm đi, khiến cho động lực của những người viết sách giảm sút. Sách hay, có chất lượng đến đến với công chúng rất ít, khiến cho ngành thư viện cũng bị ảnh hưởng theo.

Tôi nhận thấy, trong Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa có đề cập đến đảm bảo cho các tỉnh thành có đầy đủ các thiết chế văn hóa bảo tàng, thư viện, trung tâm văn hóa. Như vậy, mới nhắc đến đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng cho thư viện, nhưng chưa đề cập đến việc đầu tư vào việc xây dựng các nội dung chuẩn mực, có giá trị định hướng cao trên các phương tiện thông tin truyền thông, để từ đó hình thành thói quen tích cực cho nhân dân.

Theo thống kê của Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), đến nay hệ thống thư viện công cộng có 24.102 thư viện, với 45.000.000 bản sách. Gần 59.000.000 lượt người đến thư viện, tăng 99,8% so với năm 2017. Tổng lượt sách, báo phục vụ của thư viện đạt 87.000.000 lượt. Những kết quả này đã mang lại diện mạo mới cho ngành Thư viện, góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng và đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong thư viện.

Có ý kiến cho rằng, ngành văn hóa cần vận dụng những tác động mạnh mẽ từ các phương tiện truyền thông, nhằm thôi thúc độc giả tìm đến sách và tìm đến thư viện. Quan điểm của ông như thế nào?

- Trước đây, khi đang công tác tại Bộ Văn hóa - Thông tin, tôi đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất chương trình “Mỗi ngày một cuốn sách”. Đáng tiếc, đến nay, chương trình không còn tiếp tục được sản xuất và phát sóng.

Hiện nay, trên truyền hình nhan nhản các gameshow giải trí với nhiều nội dung độc đáo, được làm mới không ngừng. Vì vậy, gameshow hiện đang là một trong những sản phẩm nghe nhìn nhận được sự yêu thích từ đông đảo người xem, đặc biệt các bạn trẻ - lứa tuổi chiếm đại đa số.

Có điều, chưa có nhiều chương trình khai thác được những giá trị nhân văn, hướng người xem đến với tri thức, ý thức và trách nhiệm với đất nước. Tôi thấy trên một số chương trình còn phát sóng những nội dung riêng tư, tế nhị, câu từ thô tục, mà đáng lý ra khâu biên tập cần phải xử lý. Nhiều kênh sóng cũng chạy theo những nội dung câu khách đó, để kiếm lợi nhuận từ quảng cáo. Điều này xa rời nhiệm vụ chấn hưng văn hóa, phát triển con người.

Tôi nhận thấy, ngành văn hóa đang cần đầu tư một kênh sóng riêng để có thể điều tiết được các hoạt động sản xuất chương trình trên truyền hình. Văn hóa giống như một mạch ngầm chảy đi khắp nơi, nhưng thiếu đi một kênh truyền hình, mạch ngầm ấy dường như chưa thực sự chôi trảy. Nếu đầu tư một kênh chuyên biệt về văn hóa, thì những cuốn sách hay có thể được giới thiệu tại đây.

Vì thế, tôi muốn nhấn mạnh, để chấn hưng các hoạt động của ngành thư viện, thì rất cần truyền thông, báo chí có sự định hướng đúng đắn cho công chúng đến với những giá trị cao đẹp.

Trân trọng cảm ơn ông!

QUỲNH HOA