Tiếng chim trong miền đồi khoáng đạt
Trong khu vườn tạp nhà tôi có những chú chim luôn tưng bừng nhảy nhót, có con thì ẩn mình, nhưng giọng hót của chúng ai cũng dễ nhận ra đó là loại chim gì. Những thanh âm đó làm nên “bản nhạc sống” mé đồi quê khoáng đạt như dòng nước mát thấm vào tâm hồn tôi và rót từng giọt lên miền ký ức mỗi khi nhớ tới quê nhà.
1.Dưới chân đồi khu vườn tạp nhà tôi rộng như một cánh rừng nho nhỏ, xôm tụ ở đó nhiều cây ăn quả: nào bưởi, nào na, nào mận, hồng, ổi, vải… Chẳng phải kỳ công chăm sóc, lâu lâu đào quanh gốc rắc chút phân chuồng cùng với tro đốt từ chính lá của chúng rụng xuống mà cây nào cũng tốt tươi, mùa nào cho hoa trái đó.
Vào độ tháng ba âm lịch hoa bưởi, hoa mận lại rụng trắng gốc, hương đưa ngào ngạt để rồi mùa thu cho tôi những trái ngọt lành. Bờ rào bao quanh vườn có cả cây sim, cây mua, nhiều loại dây leo có gai như: mây, móc diều, dứa dại, xen vào đó là dây lạc tiên, cỏ lau, cỏ đuôi chồn cứ phất phơ trong gió sớm.
Có những bộ phận của dây lấy chỉ để trêu chọc nhau cho thỏa thích như quả móc diều còn non hình bầu dục màu xanh nhạt, gai tua tủa mà mềm như lông bàn chải, cào nhẹ vào má nhau. Ngọn gai mây non dài như lưỡi cưa nhỏ xíu, kéo nhẹ vào cẳng tay nhau cho ngưa ngứa, mà cười vui. Có thứ quả ăn được ngọt lịm như sim, lạc tiên… Nhưng có lẽ như lọt vào “cõi tiên” - không gian khoáng đạt vùng đồi ấy là dòng suối âm thanh của những chú chim cứ chảy tới đôi tai, đến trái tim, đến con người đang tuổi học trò của chúng tôi một niềm hân hoan khó tả.
Những chú vành khuyên lông màu xanh lá non ít gặp, nhưng loại có lông màu vàng nâu thì thường xuyên xuất hiện, nhất là vào tháng hè - mùa sinh của chúng, sáng nào cũng thấy chiu… chít… chiếp… chiếp… chiếp… liên hồi chuyền cành, vờn nhau trên các ngọn cây, bờ rào, rồi kiếm mồi, hút mật hoa mẫu đơn. Là giống chim nhỏ bé có đôi mắt đen bé tí như hạt đu đủ già, được khuyên bằng viền lông trắng, trông nó lúc nào cũng long lanh, và giọng hót tuy nhỏ nhưng trong trẻo, cao vót có sức vang xa. Có lần chúng tôi đi loanh quanh khu vườn kiếm quả chín để ăn thì gặp ngay tổ chim vành khuyên nhỏ như chén uống nước treo trên cây vải “tu hú” rậm cành.
Cái tổ thật là xinh được đan bằng nhánh những cọng rơm vàng, rễ cây, dây tơ hồng và cỏ mịn. Tôi trèo lên cây cao bên cạnh để nhìn, thấy có mấy quả trứng màu xanh nhạt, nhạt hơn màu xanh của trứng sáo nhiều và chắc mẩm một ngày nào đó mình lại được nhìn thấy mấy chú chim non chuyền cành, lại được nghe tiếng chiếp… chíp… gọi mẹ của bầy con.
So với vành khuyên giọng chim chìa vôi khá to, “Choẹt… choẹt… choẹt… chò… chút… chút… có lúc rung như dây đàn bầu ở cung thanh. Đây là con chim dạn người, chúng thường chọn không gian yên tĩnh như vào buổi trưa, hoặc khi hoàng hôn xuống để cất tiếng hót. “Ông bà ta gọi chim chìa vôi, vì đôi chân nó vừa cao vừa nhỏ như cái chìa vôi của các bà ăn trầu, người mà có đôi chân gầy gò, cao nhỏng được ví là cặp cẳng chìa vôi”- đó là lời giải thích của cậu tôi, tên Nguyễn Cao Đoán, mọi người cứ gọi đùa là Đoán “phét”, cậu là quân y sĩ đóng ở vùng Tây Bắc.
Mỗi khi về phép sang chơi nhà tôi cậu kể chuyện đánh Tây thì chúng tôi cứ há mồm nghe, hoặc những chuyện vui của người miền núi ai cũng cười như nắc nẻ. Cậu vén ống quần bộ đội rộng, bảo “cẳng chìa vôi đây” nhưng đã đi bao suối bao đèo rồi đấy! Rồi cậu chu môi mô tả vài tiếng chim, đố tôi nhận ra tiếng chim gì, “triu… uýt… huýt… tu hìu…chẹp chẹp chẹp… Giọng chào mào cậu ơi. Cậu khen, thằng này “được”.
2.Giọng chim chào mào chẳng xa lạ gì với tôi. Chào mào rất đỏm dáng, chòm lông trên đầu như được vuốt ngược lên, cái mỏ nhọn mảnh khảnh, dưới cổ là dải lông trắng mịn màng, dưới cái đuôi dài lấp ló một mảng lông đỏ như màu hoa chuối. Cái mũ trên đầu nó lúc nào cũng ngả nghiêng và đôi chân không ngừng nhảy nhót. Chào mào dạn người, coi cây cối trong vườn tạp nhà mình như nhà riêng của nó, hoắng huýt hót, rót vào lòng người cảm giác thanh bình, yên ả.
Ngồi ở hiên nhà nghe chào mào giữa quãng trưa hè lặng im, tôi thường huýt sáo nhại tiếng chim rồi lăn ra ngủ trên chõng tre lúc nào không biết. Thường người ta yêu cái gì thì muốn cái đó thành của riêng, tôi muốn chào mào luôn ở bên mình, và nảy ra ý định phải bẫy bằng được con chim này.
Nhớ lại lời mách bảo của cậu về cách làm nhựa bẫy chim, tôi thực hành luôn. Quanh miền đồi quê tôi nhiều loại cây có nhựa, nhưng nhựa dính nhất phải kể tới cây thừng mực - loại cây cao thẳng, vỏ dày, rồi cây thông, cây mít. Tôi lấy con dao khứa gốc thừng mực, dùng mảnh chai hứng thứ nhựa trắng đặc quánh ứa ra, gom vào gáo dừa; Rồi lên rừng thông cách nhà khoảng hơn cây số kiếm tìm dưới gốc cây xù xì những cục nhựa thông vàng; Về gốc mít vườn mình lấy nhựa. Ba thứ đó trộn vào nhau, đun trên cái niêu sành đã vỡ là cho một loại nhựa bẫy chim cực dính.
Sau đó tôi tìm cái ống nứa cỡ cổ tay, một đầu được bịt kín bằng chính cái vách phân đốt tự nhiên của nó, đổ nhựa vào. Vót những chiếc que tre nhỏ như tăm hương, nhúng vào ống nứa lưng lửng nhựa, thụt lên thụt xuống vài lần tựa như bơm xe đạp là những chiếc que đã phủ đầy nhựa, mùi thơm của nhựa thông tỏa ra vẫn cứ khen khét, thoảng chút thơm nồng nàn.
Cũng thật là thích thú khi đi tìm những tổ dế ở ruộng sắn để đổ nước cho nó ngoi lên, chộp lấy vài con về làm mồi bẫy. Con dế đen đen béo ngậy, được “xích” vào cổ bằng đoạn chỉ, còn đầu kia buộc vào cái que ở giữa những que nhựa cắm nghiêng nghiêng, tua tủa trên miếng đất phẳng vuông cỡ viên gạch lát nền.
Chú dế cứ bò loanh quanh trong khoảng đất ấy. Tôi ngồi thu mình trong bụi rậm cách xa nơi đặt bẫy khoảng chục bước chân, hồi hộp chờ xem chú chim nào lao xuống bắt mồi để rồi đôi cánh dính chặt vào những chiếc que, mình chỉ việc lao nhanh ra mà chộp lấy. Háu mồi nhất là chim sáo đen, nhưng chúng khôn cực, nó chao nhiều vòng quan sát con mồi rồi liệng xuống thật nhanh như hắt nước để bắt dế, bao lần như vậy mà chả thấy con nào dính nhựa.
Mà thực ra tôi cũng không thích có con sáo, vì nuôi nó công phu lắm, chỉ thích bẫy được chú chào mào, vì hình dáng nó quá đẹp. Chuyển nơi đặt bẫy tới gần bụi tre thì “cầu được, ước thấy”, bõ công bao nhiêu lần thay đổi điểm gài, giờ mới bẫy được một chú chào mào. Lại những buổi hí hoáy vót tre làm lồng cho nó.
Chiếc dùi nung trên bếp than hồng cứ xèo xèo xuyên từng lỗ, từng lỗ cháy đen trên những thanh tranh tre làm khung. Xong đoạn dùi lỗ là có thể dựng lồng, xỏ những que tre tròn vào 6 mặt thanh khung, rồi cố định các góc vuông bằng dây phanh xe đạp là có một cái lồng hình vuông nho nhỏ. Tuy lồng không đẹp, nhưng có chỗ cho com chim mà mình yêu thích cũng thấy bằng lòng. Hằng mong, bằng tiếng hót của nó sẽ gọi những con chim ngoài lồng về đậu kín trên khu vườn mình, sẽ tặng tôi những bản nhạc của thiên nhiên. Hằng ngày tôi đi bắt dế hoặc cào cào cho nó, mong nó ăn no hót khỏe.
3.Cậu tôi được chuyển ngành về làm việc ở Bắc Kạn sang báo tin cho bố mẹ tôi, cả nhà mừng, ai cũng muốn cậu kể chuyện. Nhìn cái lồng chào mào của tôi, cậu bảo, thằng này có gen ngoại, thích chơi chim.
Ngày xưa ông ngoại thích chơi chim sáo, ông đặt tên húy cho hai dì áp út và út là Yểng, và Vẹt, chim yểng thuộc họ chim sáo. Hai dì lấy chồng xa, lại mất sớm, tôi chỉ nhớ loáng thoáng khuôn mặt hai dì, còn giọng nói thì nhớ bởi rất nhanh và thanh như chim. Tôi hỏi cậu, con chim chào mào của cháu sao ít hót, mặc dù lúc nào cũng cho ăn đủ mồi, uống đủ nước? Cậu bảo, người miền núi có kinh nghiệm, con chim nào hay hót nhìn mép, họng nó có màu hơi đen đen.
Tôi nhìn kỹ mép chú chào mào chẳng thấy gì, bèn bắt nó ra vạch xem họng nó có đen không. Ôi thôi! Vừa mở cửa lồng thò tay vào bắt thì nó nhanh hơn cả chim cắt, vụt bay để lại tiếng chẹp… chẹp…Tiếng nó giờ nghe như trêu ngươi, như cười nhạo mình đã giam nó trong cái lồng chật hẹp.
Ngỡ là khi được về lại với cỏ cây mây ngàn, được sải cánh tự do, gần gũi với giống loài, chào mào sẽ mách bảo chúng bạn nó hãy quên khu vườn tạp, bậc thềm nghiêng chao bóng lá nhà tôi vẫn có cái lồng nho nhỏ, quên hơi thở và bàn tay của một người từng chăm chút, nâng niu nó. Nhưng không, vẫn như những ngày thường khác, chim khuyên, chìa vôi, chào mào và cả những thứ chim tôi không biết tên, vẫn hót phía miền đồi. Tiếng chim trong ngày nắng đẹp như trong hơn, rõ hơn, vang hơn, lấp lánh hơn. Đó là tiếng hót của tự do với bầu trời, với cỏ cây…
Năm tháng dù mải miết trôi qua, nhưng những âm thanh ấy vẫn ở đâu đó. Tạo hóa đã ban cho mỗi loài chim một sự khác biệt, đặc trưng từ hình dáng đến tiếng hót, trong đó có cả những nốt nhạc trầm được viết nên bởi một loài chim quen thuộc mà khi nghe làm tâm hồn ta rung động - chim cuốc.
Cũng như con chim luôn tìm về tổ, dù đó là chiếc tổ cầu kỳ hay đơn giản, con người dù hạnh phúc hay trải bao trắc trở thì quê hương với những yêu thương luôn gọi bước chân về. Tiếng chim vẫn vang vọng phía miền đồi quê hương.