Người tử tế luôn ở xung quanh ta
“Câu chuyện về sự tử tế, cảm thông, giúp đỡ, chia sẻ với những người hoạn nạn luôn diễn ra thường ngày. Cách đây 2 năm, vào năm 2021, anh Nguyễn Ngọc Mạnh, một người lái xe ô tô chở hàng đã trở thành “người hùng” trong lòng người dân cả nước, khi anh trèo lên mái tôn để cứu một bé 3 tuổi rơi từ tầng 12 chung cư. Giờ đây là anh shipper Nguyễn Đăng Văn, sẵn sàng lao vào đám cháy cứu 9 người thoát nạn, nhưng đáng buồn là anh không thể cứu được cháu gái của mình”, nhà báo Trương Anh Ngọc chia sẻ.
“Thế giới đầy những người tử tế, có một câu rất ý nghĩa, nếu bạn không tìm được ai là người tử tế, thì bạn hãy là người đó. Anh Nguyễn Ngọc Mạnh và Nguyễn Đăng Văn, khi thấy người trong hoạn nạn, các anh lao vào cứu, không cần quan tâm đến việc bản thân có bị thương hay không, có nhận được khen ngợi gì hay không…
Như chúng ta hình dung không chỉ trong phim ảnh, người tử tế luôn ở xung quanh ta. Họ có thể là bất cứ ai. Trong mỗi chúng ta đều có mầm thiện tốt đẹp và từ hoàn cảnh nào đó, sẽ giúp chúng ta thể hiện ra điều ấy. Con người khi sinh ra đã có tính bản thiện. Vì thế, việc tử tế nào cũng có thể xảy ra, ở bất cứ nơi đâu. Bắt đầu có thể là việc làm rất nhỏ, như ở ngoài đường, chúng ta chạy lên nói với người khác về việc gạt chân chống xe máy lên…”
Nhà báo Trương Anh Ngọc tâm sự, bởi ngày nay có nhiều điều tiêu cực, sinh ra nghi ngờ sự tử tế của người khác. Trong đợt dịch Covid-19 trước đây, nhiều người đã giúp đỡ từng bữa ăn, rau xanh, hỗ trợ thuốc men, bình ôxy cho những người dân ở khu cách ly, bệnh viện dã chiến, và cả với công nhân, người dân lao động, trên đường về quê...
Còn qua đám cháy ở chung cư mini ở Khương Hạ lần này, rất đông người dân tới ủng hộ, chia sẻ vật chất, tinh thần với những nạn nhân: “Trong xã hội này, có thể thấy nhiều người sống rất tử tế, làm những việc tử tế mà không cần nói ra. Có một nghiên cứu ở trường đại học, mỗi ngày bạn làm một việc tử tế, bạn sẽ thấy vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn, khoẻ mạnh hơn. Chúng ta có thể thấy, anh tài xế, hay anh shipper đều có thể là người hùng, dù hai anh cứu người như là việc tự nhiên”.
Hình ảnh anh shipper Nguyễn Đăng Văn lao vào đám cháy cứu người, sự tích cực trong cứu hộ cứu nạn của các chiến sĩ phòng cháy chữa cháy, của người dân hay tình người đùm bọc với những nạn nhân sau đám cháy chung cư mini ở Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) làm ấm lòng biết bao trái tim… Chính những chia sẻ yêu thương ấy đã làm nên vẻ đẹp trong văn hóa ứng xử của người Việt.
Nhà báo Trương Anh Ngọc từng dịch một bài báo Mỹ, về câu chuyện mọi người đang xếp hàng ở quầy thu ngân, một ông già chen vào mua đồ, nhưng lại quên mang ví, anh chàng đứng sau, bị ông cụ chen hàng, đã không buồn bực, mà đề nghị trả tiền giúp ông cụ. Cô thu ngân hỏi, tại sao anh lại làm thế? Anh đó trả lời: “Tôi nghĩ là nếu một ngày bố tôi cũng đứng ở đây và rơi vào hoàn cảnh đó thì bố tôi cũng được giúp”.
“Từ câu chuyện đó, chúng ta hiểu sự tử tế có thể lan truyền, và khi một việc tử tế xảy ra sẽ tác động đến người khác và họ sẽ lặp lại hành động ấy. Như thế, sự tử tế cũng đơn giản bình dị. Khi mình làm việc tốt thì người khác từ đó cũng làm việc tốt.
Tôi rất trân trọng những gì anh Đoàn Ngọc Hải đã làm với Nguyễn Đăng Văn, đó là giúp cậu ấy một chỗ ở, một công việc, và một nơi học hành. Rõ ràng bạn đã tử tế với mọi người, nên xã hội sẽ tử tế với bạn và giúp bạn có cuộc sống tốt hơn. Sự tử tế luôn mang đến một kết thúc có hậu, không chỉ là trong truyện cổ tích, mà là ngoài đời thật. Bạn tốt với người khác, nên bạn xứng đáng có cuộc sống tốt đẹp.
Tôi thấy trong những năm gần đây, người ta nói nhiều về sự tử tế, việc tử tế, người tử tế. Những việc tử tế ấy được chia sẻ, nhiều người đọc, để hiểu, những điều tốt đẹp luôn tồn tại, đồng thời giúp con người bớt hoài nghi kể cả khi nhiều tiêu cực đang bủa vây. Bản chất chúng ta luôn là người tốt, quan trọng là làm sao khơi gợi được lên. Sự hoài nghi sẽ làm lòng tốt trở nên cần tính toán, căn ke, và tạo thành sự ngần ngại khi ai đó muốn làm một việc tử tế. Đừng hoài nghi quá, vì trong hoàn cảnh nào đó, chính bạn cũng trở thành người hùng, cứu giúp người bị nạn, khi bạn luôn có sẵn mầm tử tế bên trong”.
Nhà báo Trương Anh Ngọc nói, sự chia sẻ, đùm bọc là bản chất của con người Việt Nam, và cũng là của nhân loại. Ở xã hội ngày càng phát triển, số người nghèo cũng còn tương đối nhiều, người giàu thì càng giàu, và trong lúc khó khăn hoạn nạn, người nghèo thường bị thiệt hại nhiều nhất. Thảm họa từ chung cư mini Khương Hạ, nạn nhân phần lớn là những người có thu nhập trung bình. Dù họ có thể lường trước sự cố, nhưng vẫn phải chấp nhận hoàn cảnh chỉ có điều kiện ở nơi như thế.
Vì vậy khi tai họa xảy ra, người dân cả nước đều rất thương xót, nhất là khi số lượng thương vong quá lớn, chỉ trong một đêm mà mất đi gia đình, nhà cửa. Vật chất mọi người mang đến dù không cứu được mạng người, nhưng là sự san sẻ, cảm thông, đùm bọc đối với những nạn nhân với mong muốn họ vượt qua để tiếp tục sống.
Có thể thấy những đoàn thể, cá nhân đến với các nạn nhân rất đông. Người giúp ít, giúp nhiều. Những người thân và đồng nghiệp của anh cũng đang ngày ngày trăn trở làm sao giúp đỡ mọi người cho tốt nhất: “Nhưng không chỉ qua vụ tai nạn này, mà còn từ nhiều những thảm họa khác nữa. Sự chia sẻ từ yêu thương, đều biểu hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Trong thời điểm hiện tại, những tấm lòng đùm bọc của người dân với nhau, là câu trả lời cho sự hoài nghi về sự tử tế. Những câu chuyện tử tế ngày nay, có thể thấy dù xã hội lúc này vật chất có đầy đủ hơn, sự tốt đẹp vẫn luôn tồn tại, con người chúng ta vẫn luôn ứng xử tốt với nhau, ở bất cứ hoàn cảnh nào…”