Nam Định: Đô thị ngập lụt, nông thôn lúa đổ, ngập cả chục nghìn ha sau mưa lớn kéo dài
Từ ngày 26-28/9, trên địa bàn tỉnh Nam Định liên tục có mứa lớn. Cơ quan chức năng ở địa phương ghi nhận lượng mưa bình quân cả đợt trên địa bàn là 227,2 mm. Đặc biệt, trong sáng và chiều ngày 28 mưa lớn kéo dài, liên tục gây nhiều hệ lụy từ thành thị đến nông thôn.
Trong ngày 28/9, Đại Đoàn Kết Online ghi nhận, hàng loạt tuyến phố, khu dân cư ở TP Nam Định bị ngập sâu trong nước, khiến giao thông lâm cảnh hỗn loạn; nhiều nhà bị nước tràn vào trong; nhiều cửa hàng kinh doanh phải đóng cửa; nhiều học sinh không thể đến trường; nhiều cán bộ, viên chức, công nhân, người lao động chật vật hoặc không thể đến được nơi làm việc.
Các "rốn ngập" ở thành phố như chân cầu Đò Quan, phố Máy Tơ, đường Trần Hưng Đạo đoạn trước cổng Trường ĐH Kinh tế-Kỹ thuật Công nghiệp, phố Phan Đình Phùng, các phố Hàng Thao, Máy Chai ngày bình thường chỉ cần có mưa là ngập, trong mấy ngày qua lâm cảnh “phố biến thành sông”, nước tràn vào nhà, người dân hai bên mặt phố chật vật với việc thu gom, che chắn, di tản đồ đạc…
Trong ngày, PV ghi nhận tại chân cầu Đò Quan (đầu đường Trần Hưng Đạo), hàng loạt ô tô, xe máy đã bị ngập nước, chết máy. Lực lượng cứu hộ phải hoạt động hết công suất để “giải cứu”.
Trên cầu, hàng loạt ô tô từ ngoại thành vào đã phải quay đầu xe ngay trên cầu vì không thể qua điểm ngập dưới chân cầu để vào nội đô.
Trong khi đó, tại các vùng nông thôn ở Nam Định hậu quả của đợt mưa lớn kéo dài bước đầu được ghi nhận là không nhỏ. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng, bước đầu chính quyền tỉnh ghi nhận đến hết ngày 27/9 toàn tỉnh đã có tới 2.947 ha lúa bị đổ, 7.230 ha bị ngập sâu trong nước.
Tuy nhiên, đây mới là số liệu cập nhật sơ bộ và mới chỉ đến hết ngày 27/9. Lượng mưa lớn, kéo dài, liên tục trong ngày 28/9 sẽ khiến thiệt hại trên đồng ruộng, đầm bãi của nông dân, diêm dân, ngư dân Nam Định tăng cao hơn rất nhiều.
Trước diễn biến trên, chiều 28/9, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã có công điện gửi thủ trưởng các sở, ngành; Chủ tịch UBND 10 huyện, thành phố trong tỉnh; Chủ tịch Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà; các Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi trong tỉnh để chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định yêu cầu UBND các huyện, TP Nam Định rà soát lại nhà yếu ở thành phố, nhà tạm ven sông, ở những vùng có nguy cơ sạt lở, ngập úng; có phương án di dời người dân ra khỏi những nơi không an toàn; đảm bảo đời sống cho người dân ở nơi di dời mới.
Phối hợp với các đơn vị có liên quan bằng mọi phương tiện, nhân lực bơm nước tiêu úng ở vùng ngập lụt, cây trồng bị ngập úng đảm bảo để lúa, rau màu không bị ngập lâu trong nước.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến thông tin thời tiết của Trung ương, Đài khí tượng Thủy văn tỉnh để có biện pháp xử lý ứng phó kịp thời với mưa lớn kéo dài.
Yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp chống úng cho lúa, rau màu; biện pháp thu hoạch, khắc phục những diện tích lúa, màu bị ngập úng; biện pháp bảo vệ lúa chưa trỗ và rau màu; triển khai sản xuất cây vụ Đông sau mưa; đảm bảo an toàn cho vùng nuôi trồng thủy sản.
Yêu cầu các Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi chủ động phương án tiêu nước trên toàn tuyến; vận hành hệ thống thủy lợi một cách linh hoạt giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn kéo dài.
Yêu cầu các sở, ngành liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, triển khai các phương án phòng chống mưa lớn kéo dài.
Yêu cầu Công ty Điện lực Nam Định chủ động phương án đảm bảo an toàn lưới điện để có đủ nguồn điện chất lượng tốt phục vụ công tác phòng chống ngập úng, bảo vệ an toàn sản xuất.
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đồng thời chỉ đạo các cơ quan thông tin của tỉnh tăng cường đưa tin bài và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống, ứng phó với mưa lớn kéo dài.