[Ảnh]: Mực nước sông Hoàng Long lên nhanh, hàng trăm hộ dân bị ngập lụt

Đình Minh 28/09/2023 19:38

Trong những ngày qua, do mưa lớn kéo dài và nước ở thượng nguồn đổ về đã khiến mực nước ở sông Hoàng Long dâng cao, làm ngập lụt hàng trăm hộ dân sống ở ven đê thuộc thôn 1, thôn 2, thôn 3 khu dân cư Kênh Gà, xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình).

Do mưa lớn trong nhiều ngày qua cộng với việc một số tỉnh ở thượng nguồn xả lũ đã làm mực nước trên sông Hoàng Long dâng cao gây ngập lụt nhiều nơi ở Ninh Bình.
Trong số các địa phương bị ngập, khu vực 3 xóm của thôn Kênh Gà, xã Gia Thịnh (huyện Gia Viễn) là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, cứ mỗi lần mưa lớn, nước sông lại dâng, làm ngập lụt hơn 600 hộ dân sống ven đê Hoàng Long.
Việc đi vào các thôn này gặp nhiều khó khăn khi đường đã thành sông, nhiều chỗ ngập sâu hơn nửa mét.
Ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết Online vào chiều ngày 28/9, tại cây cầu phao dài 72 mét (3 nhịp) nối vào thôn đã bị cắt do mực nước còn cao và dòng chảy khá mạnh. Để vào các xóm, người và phương tiện đều phải đi bằng thuyền máy nhỏ đưa sang.
Ông Trần Cao Đến, 73 tuổi, người dân thôn Kênh Gà cho biết: Mỗi năm, nơi đây thường bị ngập lụt từ 3 - 4 lần, sau mỗi đợt mưa lớ, kéo dài hoặc sau các cơn bão. Vì đã có kinh nghiệm ứng phó nên mỗi năm, người dân đều tích trữ sẵn lương thực để phòng trường hợp bất trắc.
Theo ông Đến, việc ngập lụt này xảy đến vì mưa lớn kéo dài trong 3 ngày qua khiến mực nước dâng lên, làm ảnh hưởng đến người dân.
Nước ngập ở mức khoảng 50cm, khiến việc di chuyển của người dân khu dân cư Kênh Gà gặp nhiều khó khăn.
Những căn nhà chìm trong biển nước.
Bao quanh khu dân cư Kênh Gà vào chiều ngày 29/8 là một biển nước, không rõ đâu là sông Hoàng Long, đâu là ruộng đồng canh tác của người dân.
Ông Trần Duy Nhất, Chủ tịch UBND xã Gia Thịnh cho biết, toàn bộ khu dân cư Kênh Gà có trên 600 hộ dân, cứ mỗi đợt mưa lớn, khu vực này lại ngập. "Lần này mưa dài ngày, nước sông lên nhanh nên gần như nhà nào ở đấy cũng bị ngập, còn ngập sâu thì có khoảng 20 - 30 nhà. Để đảm bảo người dân có đầy đủ lương thực, chúng tôi bố trí các thuyền cung cấp nhu yếu phẩm khi người dân cần, bố trí lực lượng túc trực 24/24 cho đến khi nước rút", ông Nhất nói.
Theo ông Nhất, khu vực ven đê này người dân không trồng lúa, chỉ trồng hoa màu và đã thu hoạch cơ bản nên không ảnh hưởng nhiều về kinh tế.
Để chủ động đối phó với lũ sông Hoàng Long, Ban chỉ huy PCTT & TKCN huyện Gia Viễn đã yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường tuần tra, canh gác, bảo vệ an toàn đê, kè, cống, các trọng điểm xung yếu theo phương án đã được phê duyệt; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư ứng cứu đối với những khu vực có nguy cơ tràn.
Được biết, huyện Gia Viễn có trên 57 km đê bao các loại, nhiều năm qua có nhiều công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng đã phát huy công năng bảo vệ, phòng chống mưa bão, úng lụt. Tuy nhiên, thôn Kênh Gà là địa bàn nằm biệt lập quanh chân núi Cánh Gà và ở giữa ngã ba sông Lạng, sông Bôi và sông Hoàng Long - từng được ví như ốc đảo. Vì thế, đây là địa bàn chịu ảnh hưởng và rõ nét nhất mỗi khi có mưa to, lũ lớn xuất hiện ở huyện Gia Viễn.

Đình Minh