Gỡ khó trang thiết bị dạy học

Lâm An 29/09/2023 09:30

Đây là năm thứ 4 ngành giáo dục chính thức áp dụng chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, hiện còn nhiều thách thức như thiếu trang thiết bị dạy học, thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất... là những khó khăn trước mắt cần được giải quyết.

Trường THPT Mèo Vạc (Hà Giang) đang triển khai dạy học chương trình GDPT 2018 với lớp 10 và 11 trong tình trạng thiếu trang thiết bị dạy học. Nhiều bài học thay vì được trải nghiệm, thực hành trong thực tế thì nay giáo viên cho học sinh thực hành qua cách mô phỏng… Mặc dù giáo viên đã cố gắng sáng tạo trong cách giảng dạy, tự tìm kiếm hay sáng chế thêm các đồ dùng để dạy học song vẫn không thể so sánh với việc sử dụng các trang thiết bị chuyên nghiệp, khiến cho việc hướng dẫn, tiếp thu của học sinh có hạn chế.

Với chương trình hiện hành, thầy và trò được khuyến khích tăng cường các buổi học thực hành, các tiết thí nghiệm trong khi với chương trình mới, cách học là học sinh phải được học từ thực nghiệm từ đó mới có cơ sở rút ra kết luận như môn Khoa học tự nhiên (cấp THCS), môn Vật lý, Hóa học, Sinh học… (lớp 10 bậc THPT). Hay đối với môn học xã hội cần phải có nhiều tranh ảnh, minh họa. Tuy nhiên, rất khó để đảm bảo đầy đủ trang thiết bị đúng chuẩn, đủ. Nguyên nhân từ phía địa phương là điều kiện khó khăn trong khi sự đầu tư nguồn lực của Nhà nước có hạn, khả năng xã hội hóa hạn chế…

Thậm chí ngay cả những địa phương được đánh giá là có điều kiện kinh tế tốt thì cơ sở vật chất và thiết bị dạy học phục vụ việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới cũng ngổn ngang với không ít khó khăn. Đơn cử như TPHCM, thống kê cho thấy, hiện thiếu nhất là thiết bị dạy học ngoại ngữ cấp THPT. Theo quy định của Bộ GDĐT, thiết bị dạy học ngoại ngữ tối thiểu cấp THPT gồm một hoặc một số thiết bị như: Đầu đĩa, máy chiếu, máy vi tính, thiết bị âm thanh, bộ học liệu điện tử… Trong năm 2023, các trường THPT có nhu cầu bổ sung hơn 3.000 bộ và đến năm 2025 cần bổ sung hơn 5.400 bộ thiết bị dạy học ngoại ngữ tối thiểu.

Nguyên Cục trưởng Cơ sở vật chất (Bộ GDĐT) Mai Văn Trinh cho biết, hiện cả nước có khoảng hơn 569 nghìn phòng học các cấp mầm non, THCS, THPT. Trong đó, số phòng học kiên cố là 482.420 phòng, đạt tỷ lệ 84,7%. Tình trạng trường lớp có quy mô nhỏ, xuống cấp đã dần được khắc phục; việc đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học để triển khai chương trình GDPT mới được quan tâm, trong đó có các hạng mục như: Phòng học, phòng chức năng, phòng học bộ môn, thư viện, nhà vệ sinh, công trình nước sạch, bổ sung thiết bị dạy học, bảo đảm khuôn viên, cảnh quan môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp; khắc phục tình trạng thiếu nhà vệ sinh, công trình nước sạch ở các cơ sở giáo dục trung học.

Mặc dù chương trình mới không bắt buộc sắm mới toàn bộ thiết bị dạy học, song để bảo đảm điều kiện thực hiện chương trình vẫn cần nỗ lực từ phía các địa phương. Hiện Bộ GDĐT đã ban hành các danh mục thiết bị dạy học tối thiểu ở các cấp học phổ thông, làm căn cứ để các cơ sở giáo dục khi lập kế hoạch mua sắm thiết bị dạy học bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, hiệu quả, tránh lãng phí, ưu tiên các thiết bị phục vụ cho các lớp học đã thực hiện chương trình GDPT mới; khuyến khích các trường tổ chức phong trào xây dựng thiết bị dạy học tự làm...

Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, năm học 2023 - 2024, Hà Nội đã đẩy mạnh việc đầu tư trang thiết bị, xây dựng mới nhiều lớp học, trường học để bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh, đáp ứng các yêu cầu dạy và học, đặc biệt là với các khối lớp 4, 8, 11 theo chương trình GDPT 2018.

Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình GDPT 2018, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học là vấn đề lớn trong quá trình triển khai chương trình mới. Tuy nhiên, đây không chỉ là vấn đề của riêng ngành giáo dục mà phụ thuộc nhiều vào từng địa phương nên Bộ GDĐT mặc dù đã có Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và phổ thông, song trên thực tế nhiều trường vẫn thiếu thiết bị dạy học phù hợp với chương trình mới. Phần lớn các trường đang tận dụng lại các thiết bị đã có sẵn, hoặc khuyến khích giáo viên sáng tạo thêm các thiết bị để phục vụ việc giảng dạy. Cách làm này hiệu quả sẽ không thể bằng việc học sinh được thực hành, trải nghiệm thực tế. Về lâu dài vẫn cần sự đầu tư thích đáng để việc triển khai chương trình mới được thuận lợi hơn, học sinh được tăng cường thực hành, trải nghiệm, từ đó phát triển năng lực theo mục tiêu chương trình đặt ra.

Lâm An