Ứng phó với hạn mặn
Theo cơ quan khí tượng thủy văn, lưu lượng dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã giảm ngay từ đầu mùa khô và sẽ kéo dài đến tháng 3/2024. Mùa mưa năm nay cũng được dự báo sẽ kết thúc sớm nên khả năng xảy ra thiếu nước trong vùng, đồng thời mặn xâm nhập sớm, vào sâu nội đồng. Vì vậy, chống xâm nhập mặn tại ĐBSCL đang được đặt ra cấp bách.
Tại thời điểm này, lượng nước tích trữ trong Biển Hồ thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 26% và dung tích trữ có khả năng tiếp tục giảm khi mùa mưa kết thúc (tháng 11). Như vậy, lượng nước từ sông Mekong về ĐBSCL cũng được dự báo ít hơn nhiều năm. Giới chuyên gia nông nghiệp đã khuyến cáo, nhiều khu vực tại ĐBSCL ngay từ bây giờ cần tăng cường giải pháp phòng chống hạn mặn. Trong đó tỉnh Long An (khoảng 66.000ha), Sóc Trăng (20.000ha), Trà Vinh (15.000ha), Tiền Giang (13.000ha), Bến Tre (12.000ha), Trà Vinh (15.000ha), Tiền Giang (13.000ha), Bến Tre (12.000ha)... Còn tại Kiên Giang, Cà Mau, khoảng 38.000ha cần bổ sung nguồn nước ngọt để có độ mặn phù hợp cho nuôi thủy sản.
Dự báo mùa khô năm 2023 sẽ kéo sang những tháng đầu năm 2024 ở ĐBSCL, hạn mặn đến sớm, diễn biến phức tạp như mùa khô năm 2015 - 2016, được coi là nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm qua, khiến 600.000 người thiếu nước sinh hoạt và 160.000ha đất nhiễm mặn, thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng.
ĐBSCL là phần hạ lưu giáp biển của sông Mekong, có địa hình thấp với 2 vùng trũng lớn là Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Cùng với dòng chính sông Tiền và sông Hậu, ĐBSCL có hệ thống kênh rạch chằng chịt, là điều kiện để thủy triều đưa nước mặn vào sâu trong sông và nội đồng. Trong khi đó, nước từ thượng nguồn sông Mekong về ít, lượng mưa tại ĐBSCL lại thấp không đủ để trung hòa độ mặn cũng như đẩy mặn ra biển. Có năm, mặn theo sông đã lấn sâu vào nội đồng hơn 80km; độ mặn lên tới 45‰ trong khi 4‰ đã ảnh hưởng tới chăn nuôi, trồng trọt và đời sống người dân.
Cũng chính vì thế, hiện nhiều biện pháp chống mặn ở ĐBSCL đã được các địa phương trong vùng triển khai. Trước hết là việc nạo vét kênh rạch, hồ ao để tích lượng nước mưa nhiều nhất có thể. Chính quyền huy động người dân cùng lo việc này. Cùng đó, các công trình ngăn mặn (cống đập) trên các dòng sông kết hợp với hệ thống thủy nông cũng như hệ thống đê biển được gia cố, sẵn sàng ứng phó khi mặn xâm nhập. Điển hình là tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm 2022 đến nay đã đầu tư 846 tỷ đồng để làm 6 cống ngăn mặn dọc theo sông Tiền để bảo vệ vùng cây ăn trái phía trong.
ĐBSCL có vai trò vô cùng quan trọng đối với an ninh lương thực quốc gia. Vùng này được coi là vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy sản của cả nước. Tuy nhiên, những năm qua, đây cũng là vùng chịu tác động nhiều nhất từ biến đổi khí hậu. Cùng với khô hạn, sạt lở thì xâm nhập mặn luôn đe dọa. Vì vậy, đầu tư để ĐBSCL đủ sức chống chịu, hạn chế thấp nhất tác hại của biến đổi khí hậu, tiếp tục phát triển sản xuất, ổn định và nâng cao đời sống của gần 20 triệu người trong vùng là vấn đề cấp thiết.
Tuy nhiên, việc này sẽ không hiệu quả nếu chỉ mang tính cục bộ từng địa phương, mà cần có giải pháp cho cả vùng. Ý kiến giới chuyên gia cho rằng cần có quy hoạch tổng thể cho khu vực, sử dụng hợp lý nguồn nước ngọt phù hợp với phát triển kinh tế, môi trường và tập quán địa phương. Bên cạnh đó, cần lựa chọn cây trồng, vật nuôi thích nghi với điều kiện khô hạn và môi trường nước mặn, nước lợ. Đó chính là biện pháp bền vững cho phát triển kinh tế. Về lâu dài, cần đầu tư xây dựng các công trình ngăn mặn, giữ nước ngọt và điều tiết nước trong vùng.
ĐBSCL là vùng đất phì nhiêu màu mỡ, bốn mùa cây trái sum suê, kênh rạch chằng chịt, những dòng sông chở nặng phù sa. ĐBSCL là trung tâm sản xuất và chế biến nông, thủy sản, lương thực, thực phẩm lớn nhất đất nước, hiện đóng góp 50% sản lượng lúa, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% lượng trái cây của cả nước. Chính vì thế, đầu tư lớn cho vùng không chỉ trước mắt mà còn lâu dài khi mà biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp.
Cùng xin được nhắc lại, ngày 21/6/2022, tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết, quy hoạch, kế hoạch, hành động về phát triển ĐBSCL. Thủ tướng nói, không đẩy qua đẩy lại, cái gì thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình thì mình giải quyết; hạn chế hình thức trao đổi công văn, khi cần thì hợp với nhau với tinh thần giải quyết nhanh, dứt điểm, không kéo dài.
Nay, hạn mặn “đã ở ngay trước mắt” thì tinh thần ấy lại càng phải phát huy.