Quan tâm thực sự đến đổi mới lĩnh vực văn hóa

Phạm Sỹ (thực hiện) 29/09/2023 07:00

Sau khi Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch trình Chính phủ Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về phát triển văn hóa đã gây ra khá nhiều tranh luận. Ở khía cạnh tích cực, chúng ta có thể thấy sự quan tâm rất lớn của xã hội đối với văn hóa, mong muốn chấn hưng văn hóa đất nước. Đó là ý kiến của PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn.

PV:Chương trình MTQG về phát triển văn hóa đang là tâm điểm của dư luận. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Hãy khoan nói về tổng số tiền (dù rất lớn), vì nếu đầu tư hiệu quả, thực sự chấn hưng được văn hóa, để văn hóa trở thành niềm tự hào dân tộc, sức mạnh nội sinh của đất nước, thì dù có nhiều tiền đến đâu, việc đầu tư cho sức mạnh và tương lai đất nước cũng là việc nên làm, phải làm; còn ngược lại, nếu đầu tư đó không hiệu quả, lãng phí, thì một xu chúng ta cũng không nên chi.

Tôi đã chú ý lắng nghe ý kiến của cả những người phản đối và những người ủng hộ để cố gắng chắt lọc những ý kiến hợp lý nhất. Đối với những ý kiến phản đối, đó là những lo ngại đầu tư không đúng chỗ, quản lý không hợp lý, còn nhiều công việc cấp bách cần phải làm hơn, còn nhiều công trình, thiết chế văn hóa chưa sử dụng hết công năng, lãng phí. Đây là những lo ngại có thật, thể hiện một góc nhìn khác, tâm huyết với văn hóa và đất nước, rất đáng trân trọng.

Đối với ý kiến ủng hộ, đó là thực trạng phát triển văn hóa, con người của chúng ta gặp nhiều khó khăn, bất cập mà nếu không giải quyết ngay, sẽ ảnh hưởng lớn, gây cản trở đến sự phát triển văn hóa nói riêng, kinh tế - xã hội và tương lai của đất nước nói chung. Vì thế, chúng ta cần có nguồn lực đầu tư để nguồn nhân lực, thiết chế văn hóa, sản phẩm và dịch vụ văn hóa đáp ứng nhu cầu phát triển văn hóa trong bối cảnh hiện nay. Điều này cũng đúng trong lúc chúng ta đang tập trung cho văn hóa nhưng những điều kiện về nguồn lực (cả về cơ chế chính sách, nhân lực, cơ sở vật chất, hay đặc biệt là tài chính) đã bó buộc những nỗ lực, sáng kiến và mong muốn của chúng ta trong phát triển văn hóa, như nhiều người vẫn hay nói về tình trạng “cái khó bó cái khôn”.

Đào tạo diễn viên múa đòi hỏi công phu và thời gian. Ảnh: Đỗ Đạt.

Vậy theo ông, thực trạng về phát triển văn hóa đang diễn ra như thế nào?

- Tôi nhận thấy rằng, thực trạng phát triển văn hóa của chúng ta, dù có nhiều cố gắng và có những thành tựu nhất định trong những năm vừa qua, nhưng vẫn thực sự gây ra nhiều lo ngại. Những hiện tượng như xuống cấp đạo đức xã hội, bạo lực học đường, mê tín dị đoan, sùng ngoại thái quá dẫn đến lãng quên văn hóa dân tộc, hay nhiều những rối loạn xã hội khác là những thách thức an ninh văn hóa, đều bắt nguồn từ những yếu kém trong lĩnh vực văn hóa, và rất cần phải chấn chỉnh, ngăn chặn, giúp chúng ta tìm lại những giá trị văn hóa truyền thống, kết hợp với tinh hoa văn hóa thế giới, tạo thành giá trị văn hóa thời đại Hồ Chí Minh đáng tự hào.

Cần phải nhìn vào thực tế, việc đầu tư cho văn hóa trong thời gian qua vẫn còn ở mức thấp. Chính vì vậy để có được sự đột phá, chuyển mình thì cần phải có sự đầu tư, thậm chí là đầu tư lớn vì “có bột mới gột nên hồ”. Vậy theo ông cần lưu ý gì khi thực hiện Chương trình?

- Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong bối cảnh mới cần có tư duy và cách nhìn mới. Chúng ta đã thành công trong công cuộc đổi mới nói chung, giờ là lúc chúng ta cần quan tâm thực sự đến đổi mới trong lĩnh vực văn hóa, để công cuộc đổi mới của đất nước trở nên toàn diện hơn, đi vào chiều sâu, tạo điều kiện mới cho sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Để làm được điều đó, tôi cho rằng, điều đầu tiên, chúng ta cần tạo ra một môi trường thuận lợi, lành mạnh cho sự phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Khi thực hiện Chương trình MTQG về phát triển văn hóa, chúng ta cần xác định những mục tiêu ưu tiên để Chương trình thực sự có hiệu quả, không lãng phí, đáp ứng được mong muốn của nhân dân cả nước, có tác động lan tỏa sang các lĩnh vực kinh tế - xã hội để tạo ra sức mạnh tổng hợp của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế. Theo tôi, đây nên là những dự án tập trung cho con người, cả con người Việt Nam nói chung và nhân lực ngành văn hóa nói riêng. “Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích 100 năm trồng người”, nếu đầu tư của Chương trình thực sự xây dựng được con người Việt Nam có đầy đủ phẩm chất tốt đẹp như yêu nước, sáng tạo, nhân ái, nghĩa tình... đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, giúp cho các văn nghệ sĩ, nghệ nhân có điều kiện tốt hơn để tỏa sáng tài năng của mình, thì tôi tin rằng, tất cả người dân Việt Nam đều ủng hộ Chương trình MTQG về phát triển văn hóa; Đó là những dự án tập trung cho việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa quan trọng của đất nước - nơi lưu giữ, chuyên chở, chuyển giao những giá trị quý báu của dân tộc, ở đó nếu chúng ta để mặc cho các di sản này tự “sống”, tự “điều chỉnh” bởi quy luật kinh tế thị trường thì rất dễ bị biến dạng, thậm chí bị biến mất. Chúng ta đã thấy điều đó qua những bất cập trong việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, hay các di tích bị xâm hại rất nhiều trong thời gian vừa qua. Đó là những điều chúng ta không bao giờ chấp nhận, vì như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Ưu tiên này là tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới để làm giàu có hơn bản sắc văn hóa Việt Nam. Đó có thể là tập trung cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thông qua việc xây dựng, tổ chức các sự kiện, sản phẩm, thương hiệu văn hóa Việt Nam ở khu vực và quốc tế.

Cuối cùng, vì văn hóa là một lĩnh vực rất rộng lớn, liên quan đến tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội, đặc biệt là giáo dục và thông tin truyền thông. Việc triển khai Chương trình MTQG về phát triển văn hóa sẽ cần có sự phối hợp tham gia đồng bộ từ các cấp, các ngành và các địa phương, để tác động của Chương trình có thể lan tỏa tác dụng tích cực đến từng tế bào của xã hội, từng người dân, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, đồng thời là hệ điều tiết cho sự phát triển đất nước.

Trân trọng cảm ơn ông!

Phạm Sỹ (thực hiện)