Giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống - Nhân rộng mô hình điểm về giảm thiểu tảo hôn
Thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) là nơi sinh sống của đồng bào Pà Thẻn. Mặc dù đời sống của bà con còn khó khăn nhưng từ khi địa phương xây dựng mô hình điểm “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số”, thôn Thượng Minh đã nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Huyện Lâm Bình được thành lập năm 2011, trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính của 2 huyện Na Hang và Chiêm Hóa. Huyện Lâm Bình có trên 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Trong đó, người Pà Thẻn định cư tập trung ở thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang là chủ yếu. Đây là xã đặc biệt khó khăn của huyện Lâm Bình.
Những năm qua, người Pà Thẻn nơi đây luôn gìn giữ truyền thống của dân tộc mình, nhất là trang phục, lễ hội. Trong đó, nổi tiếng độc đáo và huyền bí là lễ hội nhảy lửa. Song song với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, những năm trước đây, người Pà Thẻn ở Thượng Minh vẫn duy trì một số tập tục lạc hậu. Nhức nhối nhất là tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Theo thống kê của xã Hồng Quang, trước năm 2015, mỗi năm thôn Thượng Minh có gần chục người tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Em Vàng Thị Hưởng, mới 15 tuổi nhưng đã xây dựng gia đình với anh Phù Văn Thanh, người cùng thôn. Ở cái tuổi này đáng ra em đang cắp sách đến trường cùng các bạn thì lại lầm lũi ở nhà chăm 2 cô con gái nhỏ. Hàng ngày phải đối mặt với vất vả, thiếu thốn đủ bề, Vàng Thị Hưởng mới thấm thía và mơ ước được quay trở lại cùng các bạn nhưng đã quá muộn.
Còn bà Húng Thị Liên (người thôn Thượng Minh) hàng ngày vẫn phải đưa đón, chăm sóc các cháu để bố mẹ đi làm ăn xa đã khiến bà luôn cảm thấy mệt mỏi.
Khi biết con trai mình là anh Phàm Văn Quang mới 16 tuổi đã muốn lấy vợ. Bà Liên cùng gia đình ra sức ngăn cản nhưng không được. Anh Quang và vợ vẫn quyết tâm đến với nhau. Sau 4 năm xây dựng gia đình, hai người đã có 2 người con trai. So với những đứa trẻ cùng tuổi, con của anh Quang rất hay ốm, thường xuyên phải nghỉ học ở nhà. Các cháu cũng chậm nói và không nhanh nhẹn bằng các bé cùng tuổi.
Ông Làn Văn Lâm - Bí thư Chi bộ thôn Thượng Minh cho biết, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn, địa phương đã tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức. Tại các cuộc họp Chi bộ, thôn Thượng Minh đã lồng ghép Luật Hôn nhân và gia đình, hệ lụy về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đến người dân. Nhiều cặp tảo hôn được can thiệp kịp thời, được phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân gia đình, tác hại của việc tảo hôn và nhận thức của giới trẻ về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đúng đắn hơn. Từ đó, bà con có ý thức và trách nhiệm hơn trong việc thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình của giới trẻ được nâng lên.
Ông Phù Đức Lâm - Chủ tịch UBND xã Hồng Quang cho biết, tảo hôn gây suy giảm chất lượng dân số và để lại hậu quả nghiêm trọng cho sự phát triển của xã hội. Đó là hệ lụy của hôn nhân cận huyết thống và nạn tảo hôn ở thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang những năm trước.
Trước tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, năm 2018, tỉnh Tuyên Quang đã chọn thôn Thượng Minh để triển khai mô hình điểm “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS”. Từ khi triển khai mô hình điểm, thôn Thượng Minh đã tuyên truyền bằng nhiều cách khác nhau nên ý thức của người dân được nâng lên.
Đánh giá về tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn, ông Hoàng Văn Tuấn - Trưởng phòng Dân tộc huyện Lâm Bình cho biết, đã tham mưu cho UBND huyện tư vấn về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để triển khai xuống các xã. Từ đó, tham mưu cho UBND huyện mở các lớp tập huấn, mời Bí thư Chi bộ, người uy tín của các thôn cùng tuyên truyền, vận động. Nhờ sâu sát cơ sở, bám địa bàn mà các già làng, trưởng bản đã phát huy được vai trò của mình nên đến nay tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện đã giảm đáng kể.
Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS” đã được tỉnh Tuyên Quang triển khai rộng khắp, đạt được nhiều kết quả khả quan. Kết quả đó đã góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào DTTS, từ đó bà con cùng nhau xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.