Phát triển sản phẩm và dịch vụ mang dấu ấn riêng

QUỐC ĐỊNH 30/09/2023 08:30

Kết hợp giữa việc phát triển du lịch nông nghiệp gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP là một trong những giải pháp hiệu quả, giúp khơi dậy tiềm năng, lợi thế của khu vực nông thôn, góp phần nâng cao mức sống cho người nông dân.

Du lịch nông nghiệp, nông thôn đang chứng minh được tính hiệu quả trong hướng phát triển của ngành.

Ông Dương Minh Bình - Giám đốc một công ty lữ hành tại TPHCM chia sẻ, Ngôi nhà Hoa Ếch (Flower & Frog) phường Tân Qui Đông, thành phố Sa Đéc, Đồng Tháp được chủ nhân tại địa phương cải tạo thành cơ sở dịch vụ lưu trú theo hình thức Homestay đầu tiên của thành phố hoa Sa Đéc. Flower & Frog được đầu tư kinh phí chỉ khoảng 1 tỷ đồng, toàn bộ được trang bị hệ thống máy nước nóng năng lượng mặt trời, nhà vệ sinh thoáng mát sạch sẽ bố trí nhiều cây xanh. Chủ nhân Flower & Frog còn là một nghệ nhân lâu năm trong việc sản xuất hoa cảnh và lai tạo ếch giống, ông sẵn sàng chia sẻ và hướng dẫn du khách trải nghiệm trồng hoa, nuôi ếch và các hoạt động của làng nghề như người trong nhà.

“Nhờ sự độc đáo, gần gũi mà Flower & Frog đã thu hút lượng khách lớn từ trong và ngoài nước. Trung bình mỗi năm Flower & Frog đón gần 2.000 lượt người lưu trú và hơn 5.000 khách vãng lai, doanh thu gần 2 tỉ, nộp ngân sách gấp 40 lần so với trồng hoa và nuôi ếch trước đây” - ông Bình nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Bảo - Giám đốc một doanh nghiệp chuyên sản xuất nước mắm truyền thống với quy mô lớn ở tỉnh Bình Thuận cho biết, để phát huy giá trị văn hóa địa phương, nâng cao giá trị của sản phẩm xứng tầm với di sản một làng nghề của ông cha để lại, hơn 20 năm trước công ty đã có những cách làm nhằm phát triển nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch. Hiện doanh nghiệp của ông Bảo đã xây dựng các khu vực trưng bày bán sản phẩm kết hợp tham quan trải nghiệm tại điểm du lịch Phan Thiết và các huyện lân cận theo kiểu truyền thống kết hợp hiện đại với quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch về sản phẩm đặc trưng của tỉnh...

Ông Phương Đình Anh - Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương nhận định, du lịch nông nghiệp - nông thôn là không gian để sản phẩm OCOP quảng bá, phát huy và lan tỏa các giá trị về chất lượng, văn hóa, tri thức bản địa của từng địa phương. Đây cũng được xem là thị trường để tiêu thụ, nâng cao giá trị và xuất khẩu tại chỗ sản phẩm OCOP.

“Chương trình đã hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của các vùng đất. Từ đó, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng khó khăn và các nhóm yếu thế” - ông Anh nói.

Còn theo TS Phan Bảo Giang - Trưởng khoa Marketing (Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM), các địa phương cần xác định rõ những thế mạnh và điểm nhấn để phát triển các sản phẩm và dịch vụ du lịch nông nghiệp đặc trưng, mang dấu ấn riêng. Song song đó, các địa phương liên kết với nhau để phát triển các tour kết nối nhiều địa phương, tạo nên sự đa dạng và hấp dẫn cho du khách.

Vẫn theo ông Giang, cộng đồng dân cư nên tham gia tích cực vào các hoạt động du lịch nông nghiệp để có nhiều kinh nghiệm, mang lại trải nghiệm chân thực và hấp dẫn cho du khách. Cộng đồng dân cư là những người nắm giữ các giá trị văn hóa, truyền thống của địa phương nên việc bảo tồn và phát huy các giá trị này để tạo nên sức hấp dẫn cho du lịch nông nghiệp hơn ai hết người dân là đối tượng thực hiện hiệu quả nhất.

QUỐC ĐỊNH