Không chủ quan trước bão lũ
Mùa bão lũ lại đến trong thấp thỏm lo âu. Các tỉnh Bắc miền Trung lại vừa chịu cảnh dầm mình trong lũ, nhiều khu vực bị cô lập, nhiều trẻ em phải nghỉ học.
Trên trái đất này có những vùng đất ít khi gặp thiên tai dữ dội. Nhưng với đặc điểm địa lý của một quốc gia chạy dài ven biển, đất nước mình năm nào cũng đón bão giông. Năm nào mảnh đất miền Trung cũng gánh thiên tai, mỗi một lần lũ lụt giống như nhấn thêm vào một vết thương chưa lành.
Đồng nghiệp của chúng tôi mấy ngày qua gửi những hình ảnh từ các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ (Nghệ An); từ Như Xuân (Thanh Hóa); từ Hương Khê (Hà Tĩnh)… cho thấy những cánh đồng, ngôi trường, mái nhà ngập sâu, chia cắt. Lũ rút thì giải quyết hậu quả bùn đất.
Thiên tai luôn luôn là thứ khó lường, nằm ngoài mọi sự toan tính của con người. Bão lũ thì năm nào cũng đến, khó tránh khỏi. Nhưng con người có thể hành động để giảm thiểu thiệt hại. Nhiều người miền Trung vẫn nhớ xưa kia, để chống chọi với thiên nhiên, trong ngôi nhà người dân thường có cái “tra” áp mái (như gác nhỏ) để đựng lúa, nước dâng có thể lên đó trú ẩn. Vùng trũng, đa phần người dân có thuyền.
Ngày nay, nhà cửa kiên cố, nhà nhiều tầng. Nhưng có vẻ như chính “nhà cao cửa rộng” lại làm người ta đôi khi chủ quan. Ví dụ có những năm, khi lũ lên người dân ở những vùng ít khi bị ngập hoàn toàn bị động, không có thuyền và áo phao dự phòng. Mà khí hậu thì ngày càng biến đổi, thiên nhiên ngày càng khó lường.
Có lần tôi có mặt ngay sau khi một trận đại hồng thủy càn quét miền Trung, Huế, Hội An vừa ngập tới nóc nhà, hiểu thấm thía nỗi tan hoang xơ xác hậu bão lũ. Mỗi một hình ảnh còn lại đều khiến người ta liên tưởng đến những con người trong một nhà đã cùng nhau chống chọi như thế nào, họ bao bọc cha mẹ già yếu và con cái non dại thế nào giữa đại nạn. Rồi tình làng nghĩa xóm trong hoạn nạn, nhà có điều kiện hơn lo xong việc cho nhà mình thì chèo thuyền qua nhà hàng xóm cứu giúp. Có những hình ảnh còn lại, không bao giờ quên được như một gian bếp không còn bất cứ một cái bát, một đứa trẻ khắc khoải ngồi bên cạnh đống sách vở đã ướt mủn.
Ngay cả ở những nước phát triển nhất, cường thịnh nhất trên thế giới nếu gặp thiên tai cuồng nộ bất ngờ cũng không làm cách nào trở tay kịp. Miền Trung năm nào cũng gặp bão, gặp lũ. Nhưng bão lũ tới mức cuồng phong trở tay không kịp thì nhiều năm mới có thể xảy ra (mong là nó không bao giờ xảy ra). Nghĩa là mỗi năm chúng ta vẫn có thể đối phó được một thiên tai đã được dự báo và lường tới. Bão lụt đến cũng đều đặn như việc sau mỗi lần bão lũ, trẻ con sẽ trở lại trường học. Còn chúng ta sau mỗi lần gặp thiên tai thì đều nghĩ đến những bài học, những kinh nghiệm. Chúng ta không có cách nào làm cho bão ít đi hay lũ lụt ít đi. Nhưng đúng là chúng ta có thể phòng tránh, có thể có những giải pháp căn cơ để lũ lụt không gây lên những hậu quả đau lòng.
Những trận lũ lụt miền Trung năm nào cũng cho thấy cái chúng ta cần là phải có một lực lượng cứu hộ cứu nạn chuyên nghiệp và hiện đại, đủ sức ứng phó với ngay cả những tình huống bất ngờ nhất. Chúng ta cũng cần hệ thống nhà cửa thoát lũ và chống lũ, mỗi một thôn xóm một làng quê phải có được những căn nhà kiên cố cao tầng mà nếu lũ dâng cao thì người dân có thể tập trung vào tránh lũ chờ lực lượng cứu hộ tới...
Mấy năm vừa qua, công tác sơ tán dân mỗi khi dự báo có bão lớn đều đã được làm một cách tích cực và chủ động. Nhưng đôi khi có những trận mưa lũ bình thường lại khiến chúng ta chủ quan. Và thiệt hại rất có thể sẽ đến khi người ta chủ quan.
Có những thân phận con người trong bão lũ sẽ còn ám ảnh chúng ta rất lâu. Con người dù công nghệ và khoa học kỹ thuật có phát triển đến thế nào vẫn thật là nhỏ bé trước thiên nhiên.
Chủ động tích cực triển khai các biện pháp phòng chống, giảm thiểu thiệt hại trên nguyên tắc tính mạng người dân là trên hết là điều chúng ta có thể làm khi mỗi mùa bão lũ đến. Như tinh thần chỉ đạo trong công điện của Thủ tướng Chính phủ, để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và nhà nước, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.