Tín hiệu tích cực từ thị trường bất động sản
Thị trường bất động sản đang dần xuất hiện những tín hiệu tích cực, có thể bắt đầu chu kỳ phục hồi từ quý II/2024. Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, nếu như đầu năm nay, nhiều chủ đầu tư phải đóng bảng hàng bởi e ngại tình trạng ế ẩm thì nay đã có những chuyển động.
Tín hiệu tích cực
Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, có một số tín hiệu sáng ở thị trường bất động sản. Trong đó, quý III/2023 ghi nhận nhu cầu tìm kiếm tăng trưởng trở lại ở một số dự án chất lượng tốt, nhiều dự án bắt đầu mở bán, nhiều chủ đầu tư rục rịch triển khai dự án mới. Một số khu vực tại TPHCM và các tỉnh lân cận, hoạt động mua bán đã trở lại ở phân khúc căn hộ, nhà liền thổ. Những tín hiệu tích cực về sức cầu cho thấy, từ nay đến cuối năm, bức tranh thị trường bất động sản 2023 sẽ có những mảng tươi sáng giúp thị trường dần tan băng.
Đặc biệt, điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ đang cho thấy hiệu quả. Đây là dư địa tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, tạo thêm động lực cho mọi hoạt động phát triển kinh tế. Cụ thể, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; giảm lãi suất cho vay; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tạo ra hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, các khu kinh tế, khu đô thị sẽ được triển khai nhanh hơn, mạnh hơn; đồng thời, các luật liên quan đến thị trường bất động sản sắp thông qua tới đây sẽ tạo sự ổn định cho thị trường.
Giới chuyên gia phân tích, thị trường bất động sản hiện nay đã phục hồi bằng 20-30% so với thời điểm hoàng kim 2021. Biểu hiện là Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành kéo theo mặt bằng lãi suất gửi và cho vay giảm dần. Nhiều chính sách được tung ra hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân như cơ cấu nợ, gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội.
Đặc biệt, chính sách tài khóa tiếp tục mở rộng nhằm giãn, hoãn thuế, giảm phí, hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn về dòng tiền, về thanh khoản. Riêng trong năm 2023, tổng số thuế miễn, giảm, giãn khoảng 200.000 tỷ đồng, tương đương giá trị ngân sách nhà nước thực chi khoảng 78.000 tỷ đồng.
TS Sử Ngọc Khương - chuyên gia bất động sản cho rằng, thị trường đang được điều tiết tốt hơn về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Đáng chú ý, để kịp thời tháo gỡ, Chính phủ cùng Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở các báo cáo tham mưu, đề xuất của Bộ Xây dựng và bộ, ngành liên quan đã ban hành nhiều chỉ đạo giải quyết với biện pháp rất quyết liệt, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường cũng như doanh nghiệp bất động sản.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam dẫn những số liệu cho thấy, thị trường đã có những chuyển biến tốt hơn. Từ quý II, một số dự án đã chào bán trở lại với khoảng 3.700 giao dịch thành công, trong khi đầu năm, nguồn cung gần như đứng im, giao dịch chỉ có hơn 1.000. Theo ông Đính, trong quá trình chờ đợi các quy định pháp luật có hiệu lực, cần xem xét đẩy nhanh các nghị định, quy trình, thủ tục hành chính để hỗ trợ thủ tục đầu tư được nhanh chóng. CTCP Chứng khoán VnDirect đánh giá, việc ban hành các chính sách hỗ trợ và nới lỏng chính sách tiền tệ trong nửa đầu năm 2023 được xem là có lợi cho thị trường bất động sản.
Cơ hội nhiều hơn thách thức
Các chuyên gia dự báo, thị trường có thể phục hồi từ đầu năm 2024. Ông Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, kể từ quý III/2023 đến hai quý đầu của năm 2024, sẽ thấy nhiều hơn các điểm sáng tích cực. Trong đó, phân khúc nhà ở xã hội, bất động sản công nghiệp sẽ có nhiều dấu hiệu tích cực nhất. Trong thời điểm quý II và quý III/2024, thị trường bất động sản sẽ phục hồi hơn so với thời điểm năm 2018. Trong đó, mảng nhà ở xã hội và bất động sản công nghiệp vẫn chiếm ưu thế. Đến thời điểm tháng 9/2023, những điểm sáng tích cực trên thị trường đã dần xuất hiện. Tâm lý của các nhà đầu tư đã có dấu hiệu khôi phục tốt hơn giai đoạn trước.
Với nhà ở thương mại, các dự án đã tồn tại trước thì vẫn còn khó khăn do vướng nhiều rào cản liên quan đến pháp lý. Trong đó, vướng mắc về việc dự án phải có đất ở để được chấp thuận chủ đầu tư là vướng mắc lớn nhất. Với các dự án nhà ở thương mại mới, việc hoàn thiện luật tới đây sẽ giúp các dự án này dễ dàng hơn trong việc phát triển.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng gần 6% trong quý III và khoảng 7,5% trong quý IV, thị trường bất động sản sẽ diễn biến tốt hơn từ đầu quý I/2024. Ông Lực cho rằng đầu năm 2024 sẽ là thời điểm thuận lợi để đưa ra quyết định đầu tư, bởi lãi suất giảm và giá bất động sản được điều chỉnh hợp lý.
Tương tự, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết, thị trường sẽ thay đổi tương đối rõ rệt từ cuối quý I và đầu quý II/2024 khi nguồn cung nhà ở xã hội được bán ra nhiều hơn. Ông Thịnh nhấn mạnh, thị trường tiếp tục tái cấu trúc ở các phân khúc, nhất là nhà ở cao cấp và du lịch nghỉ dưỡng. Bởi các chủ đầu tư đang tập trung nguồn lực vào những dự án khả thi để nhanh chóng đưa ra thị trường, thúc đẩy dòng tiền quay trở lại. Đặc biệt, đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã góp phần đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc, đổi mới hoạt động, tăng cường năng lực của thị trường một cách nhanh nhất. Từ cuối năm 2022 đến nay, có hơn 400 dự án nhà ở xã hội được triển khai, tạo cơ hội để thị trường phục hồi.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam cũng dự báo thị trường phục hồi theo xu hướng hình chữ V từ giữa quý II/2024. Trong đó, nguồn cung căn hộ chung cư dự kiến tăng trung bình 20-25% mỗi năm trong giai đoạn phục hồi 2024-2026. Tại Hà Nội và TPHCM, nguồn cung căn hộ giai đoạn 2024-2026 sẽ khôi phục mức 70.000-85.000 căn mỗi năm, tương đương thời điểm trước dịch bệnh.