Xã hội

Sa Thầy - Kon Tum: Đồng lòng thực hiện Chương trình MTQG 1719

THANH VŨ 25/10/2023 20:19

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự động thuận của nhân dân, huyện Sa Thầy (Kon Tum) đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719). Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện

Sa Thầy là địa bàn có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó, DTTS chiếm trên 57% dân số toàn huyện. Từ nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của Chương trình MTQG 1719 đã từng bước làm thay đổi bộ mặt các thôn, làng vùng đồng bào DTTS và đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện ngày càng được nâng lên.

Trường THCS Phan Đình Phùng xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy (có 80% học sinh là người dân tộc thiểu số) chỉ có 9 phòng học, nhiều năm liền cơ sở vật chất không đủ. Học sinh và giáo viên phải tiến hành giảng dạy và học tập 2 ca/ ngày. Năm 2022, trường được huyện quan tâm đầu tư xây dựng mới thêm dãy nhà 2 tầng, 8 phòng học và các hạng mục phụ trợ khác với tổng kinh phí hơn 8 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình MTQG 1719. Phòng học khang trang, thiết bị học tập và giảng dạy khá đầy đủ, thời gian học tập và sinh hoạt ngoại khóa được đảm làm cho thầy trò của trường vô cùng phấn khởi.

Em Y Thúy, một học sinh đang học tập tại trường chia sẻ: Chúng em rất vui mừng và biết ơn khi được tạo điều kiện học tập tốt. Phòng học khang trang sạch đẹp, thiết bị học tập đầy đủ giúp chúng em tiếp thu bài giảng nhanh hơn và thú vị hơn, giúp chúng em muốn đến trường hơn.

Còn cô giáo Huỳnh Ngọc Cát, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Từ khi trường được đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, nhà trường đã có đủ điều kiện để thực hiện tốt việc dạy và học. Học sinh được học tập và có thời gian, không gian tổ chức các hoạt động trải nghiệm tại trường. Giáo viên không còn phải loay hoay với giáo án của ca sáng và ca chiều như trước đây, chỉ tập trung vào chuyên môn dạy học đồng thời có thêm thời gian để bồi dưỡng, phụ đạo và các hoạt động kỹ năng khác cho học sinh.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, huyện Sa Thầy đã thực hiện có hiệu quả chương trình MTQG 1719. Đến nay huyện đã đầu tư, hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng 20 công trình cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tróng đó, 15 công trình giao thông, 2 công trình trường học, 2 công trình văn hóa, 1 công trình nước sinh hoạt tập trung. Đang xây dựng 26 công trình; trong đó, 17 công trình giao thông, 1 công trình trường học, 3 công trình văn hóa, 1 công trình nước sinh hoạt tập trung, 1 công trình thủy lợi, 1 dự án ổn định dân cư, 1 công trình chợ dân sinh và 1 công trình phục vụ cộng đồng khác.

Huyện cũng đã hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 264 hộ, nước sinh hoạt phân tán cho 335 hộ; tổ chức đào tạo nghề cho 362 lao động; dạy xóa mù chữ cho 104 người vùng đồng bào DTTS, tập huấn nâng cao năng lực cho 190 người dân cộng đồng; tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, truyền thông trong vùng đồng bào DTTS nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện chính sách dân tộc, Chương trình MTQG, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và đang triển khai nhiều mô hình, dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho người dân… Ước tính tổng vốn giải ngân đến cuối năm 2023 là 86.361 triệu đồng.

Diện mạo các thôn, làng vùng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy đổi thay nhờ nguồn lực đầu tư từ Chương trình MTQG 1719. Ảnh: baodantoc.vn
Diện mạo các thôn, làng vùng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy đổi thay nhờ nguồn lực đầu tư từ Chương trình MTQG 1719.

Anh A Ék trú tại làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, Kon Tum chia sẻ: Đến nay đường liên thôn làng Le đã được bê tông hóa, cơ sở vật chất khang trang, đời sống bà con được nâng lên rõ rệt. Nhân dân làng Le rất phấn khởi.

Hiện nay, Sa Thầy đang đầu tư xây dựng 26 công trình từ nguồn vốn Chương trình MTQG trong sự vui mừng phấn khởi của nhân dân. Ông Nguyễn Trọng Tạo, Trưởng thôn Tân Sang, xã Hơ Moong cho biết: Được đầu tư từ nguồng vốn của Chương trình MTQG 1719 chúng tôi hi vọng tới đây sẽ có đủ nguồn nước sạch để sinh hoạt, tình trạng thiếu nước được đẩy lùi.

Bà Rơ Chăm Lan, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy cho hay: Thời gian qua Sa Thầy đã rất nỗ lực để thực hiện Chương trình MTQG 1719 để nâng cao đời soosngs cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Sắp tới Sa Thầy sẽ tích cực hơn nữa đồng thời triển khai lồng ghép các Chương trình MTQG cũng như chủ động khắc phục, tháo gỡ những khó khăn để đạt hiệu quả hơn nữa mục tiêu của chương trình.

THANH VŨ