Eurozone đối diện suy thoái
Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bao gồm 19/27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), với hơn 340 triệu người. Đây là một trong những đầu tàu kinh tế của thế giới. Tuy nhiên, tại thời điểm kết thúc tháng 9/2023, khu vực này đã phải đối mặt với suy thoái.
Dự báo tăng trưởng năm 2023 còn 1%
Nhà kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại Hamburg (Đức), ông Cyrus de la Rubia mô tả Khu vực đồng Euro là "một bức tranh nghiệt ngã".
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp Francois Villeroy de Galhau cho rằng, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cần tránh tăng lãi suất vì có thể tác động tiêu cực tới nền kinh tế khu vực, nếu muốn đưa lạm phát trở lại mức 2% vào năm 2025. Ông Galhau khuyến nghị ECB cần tập trung hành động để đảm bảo nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng Euro sẽ “hạ cánh mềm”, có nghĩa là tăng trưởng kinh tế dù có chậm lại nhưng không xảy ra suy thoái. “Kiên nhẫn và bền bỉ”, đó là những gì mà các quốc gia EU cần phải làm trong 3 tháng còn lại của năm 2023, ông Galhau nói.
"Các chỉ số đều cho rằng Khu vực đồng Euro đã bước vào giai đoạn suy thoái và sẽ kéo dài tới hết năm 2023” - ông Cyrus nói và cho biết sản lượng sản xuất tại khu vực này đã giảm trong 4 tháng liên tiếp và tình hình đơn hàng ngày càng xấu đi. Trong đó, Đức và Pháp - hai nền kinh tế lớn nhất EU vẫn “chưa rút chân được khỏi đầm lầy”.
Ngay từ tháng 6/2023, nền kinh tế Khu vực đồng Euro đã phát đi những dấu hiệu đáng lo ngại khi mà hoạt động kinh doanh sụt giảm sâu hơn nhiều so với dự kiến. Tới thời điểm ngày 29/9, dự báo tăng trưởng năm 2023 của khu vực này đã giảm xuống còn 1% so với 2,1% tăng trưởng kinh tế toàn cầu - theo Ngân hàng Thế giới (WB).
Ông Boris Vujcic - thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và là người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Croatia, thừa nhận, mức tăng trưởng của Eurozone yếu hơn so với dự kiến của cơ quan quản lý khi mà trong quý II chỉ ghi nhận ở mức 0,3% và quý 3 là 0,5%.
Về mặt tích cực, ông Vujcic cho rằng nền kinh tế chậm lại sẽ giúp lạm phát giảm nhanh hơn, từ đó có thể cho phép cơ quan quản lý cắt giảm lãi suất sớm hơn hoặc mạnh mẽ hơn; chấm dứt chính sách thắt chặt tiền tệ khó khăn nhất từ trước đến nay, khiến chi phí đi vay tăng lên mức 3,75% hiện tại từ -0,5% vào hơn một năm trước.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, việc cắt giảm lãi suất sẽ không thể thực hiện được cho đến khi ECB có bằng chứng rõ ràng rằng lạm phát đang ổn định ở mức 2%. Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Thống kê châu Âu Eurostat, lạm phát tại Khu vực đồng Euro trong tháng 8 không thay đổi so với tháng trước đó, ở mức 5,3%, cao gấp hơn 2 lần so với mức mục tiêu. Tháng 9, tuy chưa có con số chính thức nhưng dự báo ở mức 5%.
Chính từ những chuyển biến chậm chạp như vậy mà giới phân tích tài chính EU cho rằng ECB sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tiếp theo vào đầu tháng 10 tới. và việc cắt giảm lãi suất có thể sẽ chỉ diễn ra vào giữa năm 2024.
Triển vọng ngành công nghiệp Đức rất ảm đạm
Nước Đức, nền kinh tế đầu tàu EU, với tổng GDP là 4.309 tỉ USD, đứng thứ tư sau Mỹ (26.855 tỉ USD), Trung Quốc (19.374 tỉ USD) và Nhật Bản (4.410 tỉ USD) đang bị dự báo là có khả năng tăng trưởng âm khi rơi vào suy thoái. Một khảo sát được thực hiện của Consensus Economics cho thấy dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức sẽ giảm 0,35% trong năm 2023 so với năm 2022. Kết quả này ngược so với mức dự báo tăng trưởng nhẹ mà các nhà phân tích tham gia khảo sát của Consensus Economics đã đưa ra 3 tháng trước đó.
Nhà kinh tế học Franziska Palmas của Công ty tư vấn Capital Economics đánh giá triển vọng ngành công nghiệp Đức rất ảm đạm, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô - lĩnh vực kinh tế trọng điểm đang bị tác động mạnh khi các thương hiệu ô tô lớn và lâu đời của Đức phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong việc phát triển xe điện tiên tiến, đáp ứng sự chuyển dịch nhu cầu của thị trường.
Tương tự, tiến sĩ Martin Wolburg (Công ty đầu tư Generali Investments Europe) nhấn mạnh hàng hóa xuất khẩu chính của Đức là ô tô đang ngày càng bị cạnh tranh và dần đánh mất thị phần toàn cầu.
Nhà kinh tế trưởng Jorg Kramer thuộc Ngân hàng Commerzbank phân tích, nếu loại bỏ tác động của đại dịch Covid-19, hoạt động kinh tế kém hiệu quả tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu do khả năng cạnh tranh bị xói mòn khi chi phí lao động tăng, thuế cao, thiếu nâng cấp công nghệ số hóa trong các dịch vụ công.
Nhóm chuyên gia của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận xét, Đức là nền kinh tế lớn nhất EU, vì thế nếu tốc độ phục hồi chậm sẽ ảnh hưởng lớn và trực tiếp tới những nền kinh tế khác trong khu vực. Trong điều kiện được cải thiện thì kinh tế Đức cũng chỉ có thể phục hồi vào cuối 2024, thì Khu vực đồng Euro nói riêng (19 quốc gia) và EU nói chung (27 quốc gia) cũng sẽ bị tác động.