Khó xác định nguồn lây đậu mùa khỉ
Hai trường hợp được xác định mắc bệnh đậu mùa khỉ mới đây tại tỉnh Đồng Nai và Bình Dương đã nâng số ca mắc bệnh này tại Việt Nam lên con số 4. Đáng chú ý, 2 ca bệnh này không có yếu tố đi nước ngoài. Các chuyên gia y tế nhận định, nhiều khả năng bệnh đã du nhập vào Việt Nam và lưu hành trong cộng đồng.
Nguy cơ bệnh xâm nhập
Ngày 22/9, Bệnh viện Da liễu TPHCM thông tin một bệnh nhân nam (25 tuổi) dương tính với virus đậu mùa khỉ được phát hiện khi tới khám bệnh tại cơ sở. Bệnh nhân thường trú tại xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Sau khi thông tin ca bệnh đầu tiên được ghi nhận, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) đã tiến hành điều tra dịch tễ, tiền sử đi lại, lập danh sách gồm 8 người tiếp xúc gần với bệnh nhân. Trong 8 người này, bạn gái của bệnh nhân (22 tuổi) đang cư trú tại tỉnh Bình Dương cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với virus đậu mùa khỉ sau đó. Những người còn lại hiện ổn định, không có triệu chứng bất thường.
Theo Sở Y tế TPHCM, 2 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ trước đây được phát hiện tại Việt Nam có nguồn gốc nhiễm bệnh từ nước ngoài và khi về nước được cách ly điều trị kịp thời nên không lây lan cộng đồng. Còn 2 ca bệnh mới đây chưa tìm thấy yếu tố liên hệ với nước ngoài. Ngành y tế xác nhận 2 người này khởi bệnh đậu mùa khỉ tại nơi cư trú - gọi là ca bệnh nội địa. Hiện chưa rõ nguồn lây bệnh.
Về nhận định này, bác sĩ Lương Chấn Quang - Phó Trưởng khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật (Viện Pasteur TPHCM) phân tích, trong bối cảnh toàn cầu hóa, giao thương du lịch mở rộng giữa các quốc gia, nguy cơ bệnh xâm nhập vào mỗi quốc gia là hoàn toàn có thể. Còn Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho rằng khi thế giới xuất hiện một tác nhân mới, biến thể mới, như virus đậu mùa khỉ, thì một thời gian sau bệnh xuất hiện tại Việt Nam là điều phổ biến thường gặp.
Thông tin cho thấy, số ca mắc đậu mùa khỉ ở Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á tăng cao. Cụ thể, trong tháng 8, Trung Quốc ghi nhận hơn 500 ca, Thái Lan thêm 145 trường hợp, xu hướng tiếp tục tăng nhanh. Theo BS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng, ĐH Y dược TPHCM, đây là những nước có nhiều hoạt động giao lưu với Việt Nam, tần suất người dân qua lại tiếp xúc nhiều hơn, do đó khả năng lây nhiễm bệnh cao hơn.
Thực hiện biện pháp phòng ngừa
Đúng vào thời điểm chuyển mùa với nhiều dịch bệnh đang có nguy cơ lây lan, người dân lo ngại về nguy cơ nhầm lẫn giữa bệnh thủy đậu và đậu mùa khỉ. Về vấn đề này, bác sĩ Vũ Thị Phương Thảo - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Da liễu TPHCM) cho biết, bệnh đậu mùa khỉ và thủy đậu đều là bệnh truyền nhiễm, cấp tính do virus gây ra. Cả 2 bệnh đều lây qua tiếp xúc dịch tiết bóng nước, lây gián tiếp qua tiếp xúc đồ vật của người nhiễm bệnh. Thủy đậu và đậu mùa khỉ đều có giai đoạn ủ bệnh, khởi phát, hồi phục… tương tự nhau. Với các triệu chứng lâm sàng như nóng sốt, diễn tiến tổn thương da bao gồm mụn nước, mụn mủ ở trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân, niêm mạc mắt, trong miệng… Tuy nhiên, ở bệnh đậu mùa khỉ, người bệnh bị sốt phát ban, mụn nước, mụn mủ gần như đồng thời, bệnh lâu khỏi hơn thủy đậu... Đáng chú ý, bệnh nhân còn sốt cao, nổi hạch. Còn với bệnh thủy đậu, người bệnh cũng phát ban nhưng tổn thương xuất hiện lần lượt, diễn tiến bệnh nhanh. Ban đầu bóng nước, mụn mủ nổi trên mặt rồi lây lan ra khắp cơ thể. Các vết loét nhỏ, cạn, nên tổn thương ít hơn đậu mùa khỉ, thường sau khi khỏi bệnh ít để lại sẹo.
Cùng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TPHCM cho rằng, người dân không nên quá lo lắng bởi đậu mùa khỉ không dễ lây lan trong cộng đồng. Nếu có mầm bệnh tồn tại trong cộng đồng thì cũng không phải vấn đề đáng lo ngại. Đậu mùa khỉ chỉ lây lan khi có tiếp xúc cọ xát, nhất là quan hệ tình dục nên việc lây lan và phòng bệnh cũng tương tự như với HIV/AIDS chứ không phải lây lan qua đường hô hấp, tiếp xúc gần.
Được biết, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM đang tiếp tục điều tra dịch tễ, xác định nguồn lây 2 ca nội địa, song các chuyên gia nhận định rất khó xác định. Trong bối cảnh hiện nay, để phòng bệnh đậu mùa khỉ và các bệnh truyền nhiễm khác, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng ngừa như: Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay, khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Đồng thời, bảo đảm an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.