Xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị hàng Việt
Dù kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng Việt Nam sang thị trường các nước trong CPTPP tích cực, nhưng giá trị còn khiêm tốn, tỷ lệ thị phần chưa tương xứng với tiềm năng. Giới chuyên gia chỉ rõ, nguyên nhân là do doanh nghiệp vẫn khá thờ ơ với phát triển thương hiệu.
Lợi ích nhiều, cơ hội lớn
Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được đánh giá sẽ mang lại nhiều cơ hội lớn cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Theo Bộ Công Thương, CPTPP là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với mức độ cam kết mở cửa thị trường rất lớn. Tính đến thời điểm hiện tại, CPTPP đã được các doanh nghiệp (DN) Việt Nam tận dụng khá tốt, góp phần tạo ra động lực tăng trưởng cho hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu của Việt Nam với các quốc gia tham gia hiệp định này.
Theo cam kết, các nước trong CPTPP sẽ phải cắt giảm gần như 100% dòng thuế về 0% sau một thời gian nhất định. Trong đó, giày dép là một trong những ngành có mức cắt giảm thuế về 0% nhanh nhất, ngoài ra một số ngành mà Việt Nam có lợi thế, kim ngạch xuất khẩu cao như nông thủy sản, dệt may… kỳ vọng sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ hiệp định này.
Theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế, trong số những FTA (Hiệp định thương mại tự do) mà Việt Nam đã tham gia ký kết và đàm phán thì CPTPP là FTA có mức độ mở cửa thị trường cao nhất, xóa bỏ gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình, tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại. Cụ thể, 66% dòng thuế sẽ về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh như nông thủy sản, điện tử; 86,5% dòng thuế sẽ về 0% sau 3 năm và sau 11 năm thì 97,8% dòng thuế sẽ được xóa bỏ. Không chỉ điều chỉnh các vấn đề thương mại truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà CPTPP còn điều chỉnh nhiều vấn đề mới như thương mại điện tử, mua sắm công, lao động, môi trường...
Hiệp định CPTPP bao trùm thị trường gần 500 triệu dân, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu, là FTA có ý nghĩa chiến lược đối với Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp khi tạo ra động lực thúc đẩy mở cửa thị trường, phát triển đầu tư, thiết lập quan hệ thương mại tự do với nhiều quốc gia mới như Canada, Mexico, Peru.
Những lợi ích đến từ Hiệp định CPTPP là rất lớn, dù vậy, nhiều DN Việt Nam vẫn chưa tận dụng được tối đa những lợi ích đó. Đáng chú ý, ít DN chú trọng phát triển thương hiệu riêng để có thể vững chân tại thị trường này.
Thương hiệu là yếu tố quan trọng
Là DN có nhiều năm tham gia hoạt động xuất khẩu sản phẩm quế, hồi vào thị trường các nước CPTPP, bà Nguyễn Thị Huyền - Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất và xuất khẩu Quế Hồi Việt Nam Vinasamex chia sẻ, từ năm 2013 DN bắt đầu xây dựng chuỗi giá trị vì đó là nhu cầu bắt buộc của thị trường. Đối với những thị trường khó tính trong CPTPP, DN không thể cứ nói rằng chất lượng sản phẩm rất tốt, trong khi không có chứng nhận. “DN dò dẫm xây dựng chuỗi giá trị từ việc đào tạo quy trình sản xuất cho người nông dân. Khi sản phẩm đảm bảo, DN đăng ký những chứng nhận quốc tế để có “giấy thông hành” giúp DN tiếp cận và bán được sản phẩm. Chuỗi giá trị giúp DN nâng cao được giá trị gia tăng cho sản phẩm, từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm quế, hồi và gia vị Việt Nam trên thị trường quốc tế” - bà Huyền cho biết.
Song, DN của bà Huyền chỉ là một trong số ít những DN chú trọng xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu sang thị trường CPTPP.
Dù chưa có con số thống kê cụ thể số lượng các DN Việt Nam xuất khẩu vào CPTPP bằng thương hiệu riêng, nhưng nhìn chung số lượng còn rất khiêm tốn. Theo chia sẻ của bà Trịnh Huyền Mai - Phó Trưởng phòng Chính sách xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), các DN xuất khẩu chủ yếu vẫn là các DN nhỏ và vừa, xuất khẩu vẫn theo hình thức gia công, hoặc ở dạng nguyên liệu, do đó giá trị gia tăng thấp. Theo đó, những nguyên liệu, sản phẩm thô mà DN của ta xuất khẩu được các nhà sản xuất, nhà chế biến của nước ngoài thu mua, chế biến lại rồi đóng bao bì, và khâu cuối là xuất khẩu đi thì sản phẩm đó lại được gắn mác, thương hiệu của họ. “Nếu vẫn tiếp tục duy trì tình trạng này, giá trị gia tăng sản phẩm cũng như thương hiệu riêng của Việt Nam sẽ khó có thể lan tỏa” - bà Mai nhấn mạnh.
Chứng kiến tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan trong CPTPP đối với hàng hóa xuất khẩu vào Canada còn thấp, bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan mới đạt khoảng 18%.Theo bà Quỳnh, mặc dù tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan CPTPP của hàng xuất khẩu Việt Nam thời gian qua tăng đều, nhưng có đến 4 tỷ USD, tức là khoảng 60% các sản phẩm của Việt Nam lẽ ra được hưởng thuế CPTPP bằng 0, song phần lớn các DN chưa tận dụng được. Trong khi các mặt hàng như giày dép, quần áo, đồ chơi, gốm sứ, hàng thủ công mỹ nghệ, nhựa… đều là những sản phẩm hoàn toàn có thể phát triển theo thương hiệu riêng, nhưng thực tế nhiều sản phẩm vẫn chưa có mặt ở thị trường sở tại.
Để tận dụng được hoạt động xúc tiến thương mại từ đó xây dựng, phát triển thương hiệu cho hiệu quả, bà Trịnh Huyền Mai khuyến nghị, các DN nên chủ động gia tăng giá trị sản phẩm thông qua việc cải tiến thường xuyên chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm cho phù hợp với thị trường đích. Trong đó hết sức lưu ý những vấn đề đang được các thị trường rất quan tâm, như chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Còn ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) đưa ra quan điểm, muốn xây dựng thương hiệu riêng tại các thị trường xuất khẩu, điều đầu tiên các DN cần phải nghĩ đến tiêu chuẩn. Mỗi quốc gia đều có tiêu chuẩn riêng, nhưng về cơ bản là phải đảm bảo an toàn thực phẩm và những điều kiện thị trường yêu cầu, như sản phẩm xanh, sạch thậm chí phải qua chuyển đổi số. “DN phải xác định nghiên cứu yêu cầu thị trường sau đó mới nhìn lại DN đang có cái gì. Thực tế xây dựng thương hiệu không phải cần rất nhiều tiền ngay mà quan trọng là tinh thần sẵn sàng. DN không nhất thiết phải có nguồn lực lớn để làm thương hiệu, quan trọng nhất vẫn là có chiến lược” - ông Khanh nói.
Giới chuyên gia cho rằng, gia tăng lượng hàng hóa xuất khẩu bằng thương hiệu Việt Nam sang thị trường CPTPP không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý, xúc tiến thương mại mà còn có vai trò quan trọng của các DN, hiệp hội ngành hàng. Để tạo lập giá trị bền vững, các DN cần tạo sự khác biệt và xây dựng giá trị bền vững cho thương hiệu. Qua đó nâng cao giá trị hàng hóa Việt Nam sang các thị trường trong CPTPP, cũng như tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA thế hệ mới.