Truyền lửa quan họ

DIÊN KHÁNH 01/10/2023 09:00

Những làng quan họ ở Bắc Giang luôn đề cao phong trào lưu giữ, truyền dạy nghệ thuật hát quan họ. Bằng tình yêu với nghệ thuật, các thế hệ nghệ nhân tích cực truyền lửa, cảm hứng cho thế hệ sau, để dòng chảy nghệ thuật cổ truyền được tiếp nối và phát huy.

Dân ca quan họ được biểu diễn sôi nổi trong các hội xuân, hội nghị.

Đằm sâu văn hóa Kinh Bắc

Việt Yên là huyện tiếp giáp tỉnh Bắc Ninh, có nhiều làng cổ, di tích đình, chùa cổ kính, hằng năm thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan. Đặc biệt, với “đặc sản” quan họ, người Việt Yên luôn biết cách làm cuộc sống tươi vui, an bình bằng những câu ca đằm thắm. Theo Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia, sinh hoạt quan họ phía bắc sông Cầu (Bắc Giang, đặc biệt là Việt Yên) có mối liên hệ chặt chẽ với sinh hoạt quan họ phía nam sông Cầu (Bắc Ninh), tạo thành một vùng văn hóa quan họ độc đáo; lối chơi trong sinh hoạt vùng bắc sông Cầu cho thấy có nhiều nét tương đồng với vùng nam sông Cầu, chứng tỏ nó có chung một cội nguồn lịch sử và do chính cư dân bản địa sáng tạo ra.

Cũng theo Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia, vùng bắc sông Cầu có nhiều làng quan họ, như Giá Sơn, Mai Vũ, Nội Ninh, Hữu Nghi, Đông Long, Khả Lý Thượng, Núi Hiểu, Tam Tầng, Thần Chúc, Thượng Lát, Vân Cốc, Đình Cả, Hạ Lát, Quang Biểu, Thổ Hà…Trong suốt chiều dài lịch sử, các làng quan họ cổ tỉnh Bắc Giang đã lưu giữ nhiều giá trị của di sản văn hóa, không chỉ phát triển ở huyện Việt Yên, trung tâm của quan họ vùng bắc sông Cầu, mà còn phát triển ở nhiều huyện trong tỉnh, trong đó có các huyện miền núi như: Lục Ngạn, Lục Nam, Sơn Động, Yên Thế, Yên Dũng.

Thổ Hà là một làng cổ thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, nơi đã bao đời thủy chung với câu hát quan họ cổ, đã góp phần vẽ nên bức tranh dân ca quan họ mộc mạc mà trữ tình, sâu lắng. Vào mùa xuân, dịp lễ hội, người Thổ Hà thường tổ chức các canh hát trên dòng sông Cầu nước chảy lơ thơ đã đi vào thơ ca.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phú Hiệp - Chủ nhiệm Câu lạc bộ quan họ làng Thổ Hà, cho biết: “Chúng tôi có câu quan họ ngọt ngào, bao đời nay đã nỗ lực làm cho đời sống tinh thần trở nên phong phú. Câu lạc bộ là nơi giao lưu gặp gỡ, tạo cơ hội ôn luyện và trao đổi với nhau quan niệm người quan họ nói chung vẫn duy trì. Quan họ là giống nhau, trọng nhau về nghĩa, tất cả là tình nghĩa sống với nhau, câu hát chỉ là cùng đam mê”.

Suốt nhiều năm qua, các thành viên trong Câu lạc bộ cùng bắt tay sưu tầm những bài quan họ cổ, những bài quan họ hay để cùng nhau tự học, uốn nắn cho nhau mỗi khi nhả từ, buông tiếng… Với người nghệ nhân ưu tú này, anh Nguyễn Phú Hiệp quan niệm: “Chơi quan họ phải giữ được cái gốc của người chơi, con cháu sau này nhìn vào còn biết thế nào là quan họ và để không thẹn với liền anh, liền chị các nơi về”.

Xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên đang phát triển từng ngày. Trong niềm hứng khởi xây dựng nông thôn mới, Ninh Sơn cũng tích cực phát huy giá trị các làn điệu quan họ. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Nạp chia sẻ: “Riêng xã tôi có bốn làng quan họ cổ là Hữu Nghi, Giá Sơn, Nội Ninh, Mai Vũ, có sáu người được phong danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Đó là niềm tự hào, cũng là động lực để chúng tôi mang tình yêu, tiếng hát đi giao lưu, quảng bá, giữ gìn vẻ đẹp quê hương, truyền dạy lời ca, động viên cháu con học tập tiến bộ, chăm chỉ, ngoan ngoãn…”.

Qua tìm hiểu, từ nhiều năm qua, ở cả bốn làng của Ninh Sơn đều có Câu lạc bộ dân ca quan họ, sau đó phát triển lên, đến nay cả bảy làng trên địa bàn xã đều có Câu lạc bộ dân ca quan họ với tổng số hơn 200 thành viên. Các Câu lạc bộ có Ban chủ nhiệm, xây dựng quy chế hoạt động nền nếp thu hút được nhiều liền anh, liền chị ở nhiều lứa tuổi tham gia sinh hoạt. Đồng thời xã có một câu lạc bộ chung để thường xuyên phục vụ giao lưu, biểu diễn trong các dịp lễ, xuân, hội nghị.

Nhiều học sinh Ninh Sơn (Việt Yên) không chỉ học giỏi mà hát quan họ cũng hay.

Để câu ca sống mãi

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Nạp khẳng định, để câu ca sống mãi, việc truyền dạy, tiếp lửa cho thế hệ sau là vô cùng cần thiết. Đồng quan điểm ấy, nghệ nhân ưu tú Đàm Thị Bùi, người làng Nội Ninh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ dân ca quan họ Ninh Sơn, tâm sự thêm: “Phải nói rằng, từ những năm qua công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống của địa phương - dân ca quan họ được duy trì, hoạt động dưới nhiều hình thức hiệu quả. Như bà tôi dạy cho bố, mẹ tôi, và mẹ tôi lại dạy cho tôi. Sau đó tôi lại dạy cho các con, cháu. Rất nhiều người trong các làng biết hát. Từ đó lan tỏa sang các làng khác ở Việt Yên. Nhờ thế mà quan họ sống mãi”.

Nghệ nhân ưu tú Đoàn Thị Tình (96 tuổi), mẹ bà Bùi vẫn minh mẫn, trò chuyện rôm rả, lúc cao hứng vẫn hát hướng dẫn cho cháu, chắt. Theo cụ Tình, trước kia, người ta không gọi là Câu lạc bộ quan họ như bây giờ mà gọi “bọn quan họ” (tốp, nhóm). Mỗi khi làng mở hội, các liền anh liền chị lại cùng bọn hát giao duyên; khi đi làm đồng, hái rau, cắt cỏ mọi người cũng tranh thủ hát đối.

Bên cạnh phát huy mô hình Câu lạc bộ tại các thôn, UBND xã Ninh Sơn đã nhân rộng và mở rộng mô hình truyền dạy tại các trường học. Rộng hơn, với mong muốn khơi nguồn và phát triển tài năng cho các bé ngay từ lứa tuổi thiếu nhi, mới đây Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Việt Yên phối hợp các cơ quan, đơn vị trong và ngoài huyện tổ chức lớp truyền dạy dân ca quan họ cho thiếu niên và nhi đồng. Từ đó giúp các em phát huy sở trường, năng khiếu của mình về nghệ thuật để từ đó nuôi dưỡng ước mơ trở thành người nghệ sĩ chuyên nghiệp. Tham gia lớp học có gần 40 em học sinh đến từ các xã, thị trấn.

Ông Thân Văn Tuân - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Sơn, cho hay: “Hằng năm, chúng tôi đều tạo điều kiện, phát hiện, bồi dưỡng các cá nhân có năng khiếu hát tham gia các phong trào văn hóa văn nghệ, liên hoan, hội thi, hội diễn. Đặc biệt cử các thành viên tham gia hát giao lưu ngày hội làng, dịp đầu xuân, liên hoan hát Quan họ được tổ chức tại chùa Bổ Đà... Các nghệ nhân quan họ đã phát huy tích cực vai trò của mình trong sinh hoạt giao lưu văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là việc truyền dạy và phát huy giá trị di sản”.

Xã Quang Châu, huyện Việt Yên cũng có phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển sôi nổi. Đặc biệt, Câu lạc bộ quan họ làng Tam Tầng cũng có nhiều người tâm huyết, tích cực truyền dạy, đi giao lưu biểu diễn với các Câu lạc bộ ở Bắc Ninh, Hà Nội. Đối với các thành viên Câu lạc bộ quan họ làng Tam Tầng, hát quan họ không chỉ để thi thố và giành giải thưởng mà còn là sân chơi để giao lưu, gặp gỡ, xua đi bao mệt mỏi trong cuộc sống. Nghệ nhân Nguyễn Thị Lại - Chủ nhiệm Câu lạc bộ quan họ làng Tam Tầng tâm sự: “Phong trào hát, gìn giữ, truyền dạy dân ca quan họ đã được làm rất tốt ở hầu hết các làng quan họ cổ trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, chúng tôi đều được giao lưu, học hỏi phương pháp truyền dạy. Thêm nữa, có được nhiều bạn trẻ theo học và hát tốt, cũng là động lực để chúng tôi truyền dạy”.

DIÊN KHÁNH