Vì sao phim điện ảnh Việt khó phát hành ra thế giới?
Thi thoảng lại thấy có phim Việt được nhắc tên khi tham dự các liên hoan phim quốc tế. Và cũng có phim “ăn giải”. Thế nhưng, những bộ phim điện ảnh Việt dược phát hành trên các rạp phim lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Có thể nói, đó là con đường rất khó khăn…
Đến thời điểm này, có thế nói những bộ phim điện ảnh Việt Nam sản xuất phát hành được trên thị trường thế giới là rất hiếm hoi. Những “Lật mặt: Nhà có khách”, "Hai Phượng”, “Bố già” hay trước đó là “Dòng máu anh hùng”, “Lửa Phật”, “Bẫy rồng” vẫn chưa đủ tạo thành những “con đường sáng”. Gần đây, thông tin từ nhà sản xuất cho biết, bộ phim “578: Phát đạn của kẻ điên” đã có nhiều quốc gia mua để chiếu. Và mục tiêu của đạo diễn Lương Đình Dũng khi làm phim này cũng khá rõ ràng khi đặt mục tiêu phim sẽ đến được hơn 30 quốc gia. Tuy nhiên, giữa khát vọng và thực tế là một khoảng cách nhiều khi… rất khó nói thành lời.
Theo TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, điện ảnh có thế mạnh lớn khi thực hiện nhiệm vụ quảng bá văn hóa. Tuy nhiên, những tác phẩm điện ảnh Việt Nam được đánh giá cao đều ra đời cách đây khá lâu. "Các tác phẩm gần đây chưa gây tiếng vang về bản sắc dân tộc, dù có doanh thu ấn tượng ở phòng vé. Việt Nam có ít chương trình quảng bá điện ảnh, chủ yếu trông vào nguồn xã hội hóa", bà Lan nhận định.
TS Ngô Phương Lan cho rằng, quá trình đưa phim Việt Nam ra nước ngoài có thể trải qua nhiều cấp độ. Trong đó, khâu yếu nhất là phát hành phim ra thị trường thế giới mà không cần thông qua những tuần lễ quảng bá phim.
Chúng ta không thể so sánh với các thị trường điện ảnh lớn mạnh ở châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, nhưng ngay trong khu vực Đông Nam Á, điện ảnh Việt cũng đang phải đuổi theo Thái Lan, Philippines, Indonesia - đặc biệt là ở phần phát triển thị trường ra nước ngoài.
Trong khi đó, nhìn ở góc độ khác, PGS.TS Vũ Ngọc Thanh - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM, cho rằng việc đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện ảnh giữ vai trò quan trọng. Nhiều cơ sở đào tạo điện ảnh tại Việt Nam chưa hội tụ đủ điều kiện cần và đủ để tạo ra nguồn nhân lực đủ sức cạnh tranh với thế giới, do chưa có sự đồng bộ, tiên tiến, hiện đại trong hệ thống giáo trình.
"Nhiều ngành học như quay phim, dựng phim, kỹ xảo, đạo diễn âm thanh… càng xác lập vị trí vững chắc trong đầu ra trong bảng ngành nghề đào tạo điện ảnh đương đại", PGS.TS Vũ Ngọc Thanh nêu.
Để ngày càng có nhiều phim điện ảnh Việt chiếu trên thị trường quốc tế, rõ ràng cần có những chiến lược dài hơi. Nói như TS Ngô Phương Lan, trước những bất cập và hệ lụy trong việc xã hội hóa các hoạt động điện ảnh, hơn bao giờ hết Nhà nước cần tỏ rõ vai trò định hướng. “Mục đích của định hướng nhằm phát triển hài hòa các dòng phim: Phim phục vụ nhiệm vụ chính trị do Nhà nước đặt hàng, phim có giá trị nghệ thuật do Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh tài trợ và dòng phim giải trí thương mại từ nguồn xã hội hóa", TS Ngô Phương Lan nói.