Chương trình MTQG 1719: Giúp các xã đặc biệt khó khăn chuyển mình
Theo Quyết định 861/QĐ-TTg, ngày 4/6/2021 và Quyết định 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban dân tộc thì huyện Bát Xát (Lào Cai) có 12 xã đặc biệt khó khăn và 80 thôn đặc biệt biệt khó khăn. Do đó, huyện được tập trung nhiều dự án thuộc Chương trình MTQG trong đó có Chương trình MTQG 1719. Đây được xem là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Theo kế hoạch giao vốn năm 2022, xã Nậm Pung (Bát Xát) có 3 công trình đường giao thông nông thôn, với tổng mức đầu tư gần 7 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719. Xác định việc phát triển giao thông có vai trò quyết định thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung tuyên truyền vận động người dân tham gia hiến đất, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thi công các tuyến đường. Chính vì vậy, đến thời điểm này các công trình đều đạt tiến độ, bảo đảm chất lượng thi công.
Ông Lý Việt Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Pung phấn khởi cho biết: Nậm Pung là xã đặc biệt khó khăn, nguồn lực đầu tư từ Chương trình MTQG có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để triển khai Chương trình MTQG 1719 đạt kết quả cao nhất, xã đã kiện toàn Ban Chỉ đạo, phân công thành viên phụ trách các thôn, bản để bảo đảm thực hiện Chương trình. Cùng với đó, các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyền truyền, vận động để người dân hiểu, đồng thuận và tham gia trong quá trình triển khai các dự án nhằm sớm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương.
Bên cạnh đầu tư công trình về hạ tầng cơ sở, Nậm Pung cũng đang tập trung đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, xã đã tập trung hỗ trợ lao động địa phương tiếp cận với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm; hỗ trợ thanh niên DTTS sau khi tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tìm kiếm được việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng. Theo đó, xã Nậm Pung đã tổ chức 2 lớp học nghề về trồng trọt, chăn nuôi và xây dựng cho gần 100 học viên là con em trong xã; 45 lao động có việc làm mới. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, đã có 40 lao động trong xã có việc làm mới; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 26,5%.
Tương tự như Nậm Pung, Phìn Ngan cũng là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Bát Xát. Những năm qua, với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, kinh tế - xã hội của xã có những bước phát triển mới. Tuy nhiên, do đặc thù xã vùng cao, địa bàn rộng, địa hình hiểm trở… về tổng thể Phìn Ngan vẫn còn nhiều khó khăn cần sự "trợ lực" từ các chương trình, dự án chính sách dân tộc để xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất..., giúp các xã nghèo như Phìn Ngan vươn lên.
Thực hiện Chương trình MTQG 1719 với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS phát triển nhanh, bền vững, tuyến đường thôn Trung Chải, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát được khởi công từ tháng 11/2022, với tổng vốn đầu tư trên 1,6 tỷ đồng. Tuyến đường hoàn thành tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của bà con thôn Trung Chải cũng như các thôn, bản lân cận.
Ông Vàng Láo Lở, Chủ tịch UBND xã Phìn Ngan cho biết: Nhìn chung, hệ thống giao thông liên thôn trên địa bàn xã Phìn Ngan còn rất nhiều khó khăn, đây cũng là một trong những nguyên nhân hạn chế sự phát triển ở các thôn bản. Chính vì vậy, ngay sau khi nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 được phân bổ, xã ưu tiên để nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn. Năm 2022, xã Phìn Ngan đã khởi công 3 tuyến đường liên thôn, với tổng chiều dài gần 5 km từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719. Hiện tại, cả 3 tuyến đường đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Ông Lở bày tỏ sự biết ơn với Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, việc kiên cố hóa hệ thống giao thông có vai trò quyết định trong việc thúc đẩu phát triển kinh tế - xã hội ở vùng khó. Có đường giao thông, hàng hóa nông sản của bà con sẽ thuận lợi trong việc giao thương, tiêu thụ. Từ đó, sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Nậm Pung và Phìn Ngan mới chỉ là 2 trong nhiều ví dụ điển hình về việc được hưởng lợi từ Chương trình MTQG 1719 ở huyện Bát Xát. Từ thực tế đó cho thấy, nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 đang gỡ nhiều cái khó cho các xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Bát Xát, qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, từng bước cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc thiểu số trong huyện.