Trẻ em dễ mắc bệnh lao nếu không tiêm phòng
Trẻ em là đối tượng dễ bị tác động bởi các bệnh truyền nhiễm trong đó có bệnh lao, vì miễn dịch trẻ còn yếu. Để phòng bệnh, sau khi sinh 3 ngày, trẻ phải được tiêm vaccine BCG phòng lao. Việc tiêm phòng muộn sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
BS Nguyễn Phương Thảo - Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết: Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), toàn thế giới có khoảng 9 triệu ca lao mới mỗi năm. Trong số đó có 10% là trẻ em. Tại Bệnh viện Nhi trung ương, hàng năm phát hiện và điều trị khoảng 70-80 ca bệnh lao. Tập trung tại bệnh viện là những ca lao nặng, khó chẩn đoán. Trong đó, gồm các thể lao phổi – màng phổi (45%), lao toàn thể (18%), lao màng não (30%)... Hầu hết các trường hợp xảy ra ở trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi) và bệnh xảy ra trong vòng 2 năm sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh.
Theo BS Thảo, việc điều trị lao ở trẻ em cũng giống như của người lớn, tuy nhiên cha mẹ phải tuân thủ điều trị cho con em mình đúng hướng dẫn của bác sĩ, điều trị đủ thời gian (6-9 tháng), đủ liều lượng thuốc, đúng phác đồ thì bệnh mới ổn định. Theo đó, bệnh lao trẻ em có thể chữa khỏi được với hóa trị lao ngắn ngày, kể cả các thể nặng nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng nguyên tắc (uống thuốc đúng, đủ, đều và không được bỏ sót). Tuân thủ điều trị giúp phòng bệnh lao kháng thuốc. Bệnh lao kháng thuốc thường phát sinh thông qua việc lựa chọn các chủng vi khuẩn đột biến do không tuân thủ điều trị. Chủng vi khuẩn kháng thuốc này lây cho người khác. Nhiễm lao kháng thuốc dẫn đến khó khăn trong việc điều trị, tăng chi phí điều trị và tăng tỷ lệ di chứng.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, trẻ em là đối tượng dễ bị tác động bởi các bệnh truyền nhiễm trong đó có bệnh lao vì miễn dịch trẻ còn yếu. Phòng bệnh lao là làm giảm nguy cơ nhiễm lao và giảm nguy cơ chuyển từ nhiễm lao sang bệnh lao. Việc phát hiện sớm bệnh nhân lao, điều trị hiệu quả, cách ly giúp giảm phơi nhiễm. Trẻ em nếu có phơi nhiễm cần được sàng lọc tại cơ sở y tế và theo dõi.
Để phòng bệnh, sau khi sinh 3 ngày, trẻ phải được tiêm vaccine BCG phòng lao. Có thể đánh giá đáp ứng miễn dịch của trẻ đối với việc tiêm phòng dựa vào các phản ứng sau khi tiêm. Nếu trẻ sốt nhẹ, sưng hạch ở hõm nách bên cánh tay được tiêm thuốc, có quầng đỏ ở vị trí tiêm, loét nhẹ và để lại sẹo thì có nghĩa là trẻ đã đáp ứng miễn dịch.
Cũng như các loại thuốc và vaccine khác, vaccine tiêm phòng lao có thể gây ra một số tác dụng phụ còn gọi là những phản ứng sau tiêm chủng. Các bà mẹ đừng quá lo lắng vì đây là điều bình thường, chứng tỏ trẻ có đáp ứng với vaccine và trẻ sẽ tự khỏi trong vòng 1 vài ngày.
Nhưng dù đã tiêm phòng lao, ở thời kỳ chưa có miễn dịch, không nên để trẻ tiếp xúc với nguồn lây. Ngoài tiêm BCG, trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh và có chế độ nuôi dưỡng thích hợp với từng lứa tuổi.
Khi trẻ có triệu chứng nghi bị lao (ho sốt kéo dài, sút cân hoặc không lên cân, ra mồ hôi trộm...), cần đưa ngay đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị đúng theo phác đồ của Chương trình Chống lao quốc gia, đảm bảo theo nguyên tắc DOST (hóa trị liệu ngắn ngày có kiểm soát).