Quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa: Nhiều mảng làm khó doanh nghiệp
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa gửi ý kiến đến Bộ Khoa học và Công nghệ liên quan đến hàng loạt vấn đề còn bất cập của Dự thảo Thông tư quy định quản lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
Cụ thể, theo VASEP mâu thuẫn chồng chéo với quy định truy xuất với các quy định hiện hành về truy xuất nguồn gốc của Việt Nam. Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) và Bộ Y tế đều đã ban hành các Thông tư về truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm thuộc phạm vi quản lý của 2 Bộ (Thông tư số 17 của Bộ NNPTNT quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý; Thông tư số 25 của Bộ Y tế quy định việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế).
Các quy định về truy xuất nguồn gốc của 2 Thông tư trên có rất nhiều điểm không đồng nhất với các quy định của Dự thảo. Chẳng hạn quy định về thông tin phải lưu trữ cho mục đích truy xuất nguồn gốc của 2 Thông tư trên không hoàn toàn giống quy định về thông tin truy xuất nguồn gốc phải lưu trữ của Dự thảo; cách thức thực hiện truy xuất nguồn gốc của 2 Thông tư trên là theo lô hàng trong khi Dự thảo quy định các thông tin lưu trữ theo công đoạn; thời gian lưu trữ thông tin về truy xuất nguồn gốc của 2 Thông tư là từ 6 tháng đến 2 năm tại cơ sở còn Dự thảo không quy định thời gian lưu trữ thông tin nhưng yêu cầu kết nối thông tin lên Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia... Điều này gây khó khăn cho việc tuân thủ của các đối tượng nằm trong phạm vi áp dụng của 2 Thông tư trên (vì các đối tượng này cũng thuộc đối tượng áp dụng của Dự thảo).
VASEP cũng cho rằng quy định về kết nối thông tin lên Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia chưa rõ ràng. Hiện tại Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia chưa có và cũng chưa có bất kỳ Văn bản pháp quy nào quy định các vấn đề liên quan đến cổng này. Trong khi đó, các quy định của Dự thảo về kết nối thông tin của doanh nghiệp, người dân lên cổng còn chung chung, chưa rõ ràng, gây khó khăn cho các đối tượng thực thi.
“Có rất nhiều thông tin nhạy cảm/thông tin bí mật của cơ sở được yêu cầu phải gửi lên Cổng như thông tin về quy trình công nghệ/các công đoạn trong sản xuất sản phẩm, thời gian sản xuất của từng sản phẩm trong lô hàng... là không hợp lý”, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP nêu.
Đáng chú ý, theo VASEP, Dự thảo không có quy định về thời hạn chuyển tiếp để cơ sở, người dân đáp ứng các yêu cầu mới. Như vậy, tất cả các cơ sở, người dân đang tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh đều sẽ phải áp dụng ngay các quy định này khi Thông tư có hiệu lực. Đây là một trở ngại rất lớn khi nhiều cơ sở đang áp dụng các hệ thống truy xuất nguồn gốc riêng với các trang thiết bị rất phức tạp hay sử dụng công nghệ và để chuyển đổi nhằm đáp ứng được các yêu cầu mới của Dự thảo thì cần nhiều thời gian, thậm chí cả kinh phí đầu tư.
Theo VASEP, trong tháng 9, một số sản phẩm chủ lực đã lấy lại sự cân bằng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu (XK) tôm và cá ngừ 9 đều đạt mức tương đương với tháng 9/2022. Đáng chú ý là sự hồi phục của mặt hàng cá tra với mức tăng trưởng dương 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Hết tháng 9/2023, XK sang top 3 thị trường lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đều vượt mốc 1 tỷ USD. Riêng trong tháng 9, XK thủy sản sang Mỹ, Trung Quốc, EU đều hồi phục, tăng từ 4 - 17% so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường đang có dấu hiệu tốt dần lên, đặc biệt trong quý IV, do vậy, nếu không có biến động khác, và nguồn nguyên liệu không bị sụt giảm mạnh thì có thể XK thủy sản năm 2023 sẽ mang về doanh số khoảng 9,2 - 9,3 tỷ USD.