Đồng bào Khmer phấn khởi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số
Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai tại Sóc Trăng, đối tượng chính được thụ hưởng là đồng bào Khmer, bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực.
Thời gian qua, được sự quan tâm của Trung ương trong việc hỗ trợ vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025, tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư nhiều công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu; từ đó, diện mạo vùng nông thôn ngày càng khởi sắc và làm đòn bẩy cho phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc.
Tiêu biểu như tại huyện Long Phú, nhờ thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025, đời sống đồng bào Khmer trong huyện ngày càng khởi sắc.
Theo ông Thạch Hoàng Tha, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Long Phú, toàn huyện có 9 xã, 2 thị trấn với 61 ấp, trong đó có 2 xã khu vực III, 2 xã khu vực I và 12 ấp đặc biệt khó khăn thụ hưởng chương trình.
Để thực hiện chương trình đạt hiệu quả cao, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện Long Phú đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, tác động tích cực đến nhận thức của cán bộ và người dân. Từ công tác tuyên truyền đã phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong thực hiện chương trình. Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong huyện luôn phát huy vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung các nguồn lực, giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả chương trình và các dự án chính sách dân tộc có liên quan.
Từ năm 2022 đến nay, huyện Long Phú đã tập trung triển khai hỗ trợ Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Qua đó, đã triển khai xây dựng 49 căn nhà ở cho hộ Khmer nghèo từ nguồn vốn được phân bổ năm 2022 và tiếp tục giải ngân trên 2,8 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở cho hộ đồng bào Khmer nghèo từ nguồn vốn được phân bổ năm 2023; đồng thời, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho trên 200 hộ đồng bào Khmer với kinh phí trên 2 tỷ đồng và hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 65 hộ với kinh phí gần 200 triệu đồng. Huyện cũng đã giải ngân 740 triệu đồng hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 3 của chương trình và dự kiến sẽ tiếp tục triển khai thực hiện 3 mô hình ở 3 xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tổng kinh phí thực hiện trên 2,4 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Sóc Trăng còn chú trọng hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc Khmer. Theo Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, việc hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi ngành nghề trong bà con dân tộc những năm gần đây được tỉnh quan tâm thực hiện đúng đối tượng, theo quy định. Tính từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã và đang triển khai hỗ trợ chuyển đổi nghề cho hơn 4.500 hộ, với số tiền 45,6 tỷ đồng.
Điển hình là huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, cho biết thêm, tính từ đầu năm đến nay, huyện đã hỗ trợ đến gần 50 gia đình là đồng bào Khmer, phần lớn không đất để sản xuất để chuyển đổi ngành nghề, góp phần giúp bà con có thêm điều kiện sinh kế, tăng thu nhập cho gia đình.
Ông Nguyễn Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì với dự án hỗ trợ sinh kế cho người dân, huyện Mỹ Xuyên đã triển khai được 49 hộ để thực hiện chuyển đổi ngành nghề cũng như là phát triển kinh tế trong thời gian vừa qua. Nhìn chung với dự án này, bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng đặc biệt khó khăn đã có được cuộc sống ổn định, bà con có công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập về cho gia đình, đời sống ấm no phấn khởi.
Nhờ sự quyết tâm của tỉnh việc triển khai thực hiện chương trình trên địa bàn đã đạt nhiều kết quả tích cực. Cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số từng bước hoàn thiện, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện không ngừng được nâng lên.
Ông Lý Rotha, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, cho biết đồng bào dân tộc thiểu số khi thụ hưởng tiểu dự án này rất vui mừng, phấn khởi đón nhận và rất cám ở Đảng, Nhà nước quan tâm. Đồng thời, đồng bào dân tộc khai thác và sử dụng nguồn vốn này có hiệu quả, bước đầu giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định. Tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng.