Kinh nghiệm quản lý dự án nhìn từ kiến nghị kiểm toán

N.Lộc 02/10/2023 20:05

Đó là nhận định của Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình, Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoài Nam.

Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng (Nghệ An) - công trình thủy nông trọng điểm lớn nhất khu vực Bắc Trung bộ đang dần thành hình sau nhiều năm trễ tiến độ. Ảnh: Vnexpres.vn
Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng (Nghệ An) - công trình thủy nông trọng điểm lớn nhất khu vực Bắc Trung bộ đang dần thành hình sau nhiều năm trễ tiến độ. Ảnh: Vnexpres.vn

Thưa ông, đến nay, Bộ NNPTNT là một trong số ít Bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân đạt cao. Ông có thể thông tin cụ thể hơn về kết quả này từ đầu năm đến nay?

Năm 2023, Bộ NNPTNT được giao 9.852 tỷ đồng vốn đầu tư công, trong đó, vốn trong nước 8.052 tỷ đồng, vốn nước ngoài 1.800 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/9, giải ngân vốn đầu tư công các dự án của Bộ NNPTNT đạt 4.953 tỷ đồng, đạt 50,3% kế hoạch; trong đó có 75 dự án đang thi công, 155 dự án đã phê duyệt và 41 dự án đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục có liên quan...

Tín hiệu tích cực đối với đầu tư công của ngành là các dự án nhóm A chậm tiến độ, có vướng mắc từ giai đoạn trước, đến thời điểm này cơ bản đã được tháo gỡ. Đơn cử như Dự án Hồ chứa nước Cánh Tạng (Hòa Bình) đã giải quyết xong phần thủ tục và triển khai bước tiếp theo để dự kiến hoàn thành năm 2026.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình Nguyễn Hoài Nam. Ảnh: N.Lộc
Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình Nguyễn Hoài Nam. Ảnh: N.Lộc

Dự án Hồ chứa nước Krông Pách Thượng (Đắk Lắk) kéo dài hơn chục năm do vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng đến nay được giải quyết cơ bản, dự án cuối năm nay hoàn thành. Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng (Nghệ An) - công trình thủy nông trọng điểm lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ sau thời gian dài vướng mắc hiện đang được điều chỉnh chủ trương đầu tư, tổng mức đầu tư và dự kiến sẽ được phê duyệt vào tháng 10. Nếu thuận lợi, Dự án sẽ hoàn thành cuối năm 2025.

Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm, cách làm của Bộ NNPTNT để đạt được kết quả nêu trên?

Để đảm bảo tiến độ giải ngân, lãnh đạo Bộ đã quyết liệt thực hiện công tác này và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ. Theo đó, Bộ đã phân công một Thứ trưởng phụ trách trực tiếp công tác xây dựng cơ bản; giao các đơn vị có năng lực, kinh nghiệm tham gia quản lý đầu tư; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý số liệu giải ngân theo thời gian thực; giao ban định kỳ hằng tháng với tất cả các chủ đầu tư, nhà thầu…

Đặc biệt, Bộ đã thực hiện phân nhóm vấn đề đối với các dự án để kịp thời xem xét, tháo gỡ vướng mắc, như nhóm dự án vướng mắc về chính sách, vướng mắc về đền bù, giải phóng mặt bằng, về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng hay vướng mắc về các thủ tục đầu tư…

Cùng với đó, Bộ đã linh hoạt điều chỉnh kế hoạch vốn cho các dự án đầu tư để tạo điều kiện cho các dự án có tiến độ tốt thực hiện. Đây là giải pháp bám sát tình hình triển khai thực tế giúp Bộ NNPTNT đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua. Chẳng hạn, Dự án Kè chống sạt lở sông Cổ Chiến (Trà Vinh) ban đầu bố trí 80 tỷ đồng, nhưng sau đó phải điều chỉnh và được Bộ linh hoạt thực hiện trong thẩm quyền...

Qua kiểm toán, KTNN góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác giải ngân vốn đầu tư công của Bộ NNPTNT. Ảnh: N.Lộc
Qua kiểm toán, KTNN góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác giải ngân vốn đầu tư công của Bộ NNPTNT. Ảnh: N.Lộc

Các kiến nghị kiểm toán đã được Bộ lưu ý, rút kinh nghiệm và áp dụng trong quá trình quản lý vốn, quản lý dự án ra sao, thưa ông?

Quá trình triển khai, nhiều dự án của ngành nông nghiệp do Bộ NNPTNT quản lý, hoặc phân cấp về địa phương đã được KTNN kiểm toán. Qua kiểm toán, KTNN cũng đã chỉ ra một số thiếu sót trong công tác quản lý đầu tư, giải phóng mặt bằng…

Trên cơ sở các kiến nghị kiểm toán, Bộ NNPTNT đã yêu cầu chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan nghiêm túc tiếp thu, chấn chỉnh. Trong đó, các đơn vị phải coi các kết luận, kiến nghị kiểm toán là bài học để rút kinh nghiệm, không để tái diễn những bất cập trong công tác quản lý đầu tư, giải phóng mặt bằng.

Đơn cử, đối với kết quả kiểm toán Dự án Hồ chứa nước Krông Pách Thượng, Bộ NNPTNT sẽ hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai công tác chặn dòng tích nước hồ chứa nước Krông Pách Thượng bảo đảm an toàn, đúng quy định; đồng thời, Bộ đã đôn đốc địa phương tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh giải phóng mặt bằng theo tiến độ thi công…

Theo kế hoạch, vẫn còn lượng lớn vốn cần giải ngân từ nay đến cuối năm 2023. Vậy, Bộ có giải pháp trọng tâm nào để đẩy nhanh tiến độ này?

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2023, đối với dự án đã phê duyệt, Cục Quản lý xây dựng công trình sẽ tập trung tối đa để đẩy nhanh tiến độ phê duyệt thiết kế kỹ thuật, sớm tổ chức đấu thầu, khởi công dự án trong năm 2023.

Đối với các dự án chưa được phê duyệt, đơn vị sẽ cùng các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án. Đồng thời, rà soát, báo cáo Bộ trưởng dừng thực hiện các dự án không đủ điều kiện phê duyệt.

Trong quá trình triển khai các dự án, đơn vị tổ chức kiểm soát chặt chẽ công tác quản lý chất lượng ngay từ đầu, nhất là khâu chuẩn bị kỹ thuật dự án, lường trước các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đảm bảo hạn chế tối đa phát sinh gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Ngành NNPTNT cam kết nỗ lực hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2023. Ảnh tư liệu
Ngành NNPTNT cam kết nỗ lực hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2023. Ảnh tư liệu

Đối với những vướng mắc liên quan đến địa phương, cơ quan khác dẫn đến chậm thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất hay việc phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương còn chậm dẫn tới khó khăn trong công tác thẩm định, phê duyệt dự án, Bộ sẽ tích cực phối hợp với địa phương, đơn vị chuyên môn cùng tháo gỡ khó khăn trên.

Đối với vướng mắc trong thẩm quyền, Bộ sẽ yêu cầu các đơn vị có giải pháp chấn chỉnh, đặc biệt là yêu cầu các chủ đầu tư có biện pháp xử lý “mạnh tay" các nhà thầu không đủ năng lực; kịp thời chấn chỉnh nhà thầu vi phạm chất lượng, tiến độ... Bộ cũng giao trách nhiệm cụ thể cho chủ đầu tư và có đánh giá kết quả định kỳ. Thông qua đó, giúp tăng cường việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công, cơ bản chấm dứt tình trạng đùn đẩy, né tránh, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm.

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, ước thanh toán đến ngày 30/9/2023 đạt khoảng 363.310 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, Bộ NNPTNT thuộc nhóm tốp đầu các Bộ, ngành có kết quả giải ngân cao sau 9 tháng đầu năm.

N.Lộc