Bất an chốn học đường
Thời gian gần đây có rất nhiều chuyện khiến nhiều người cảm thấy bất an nơi chốn học đường. Một cô giáo bất cẩn lùi xe trong sân trường khiến một học sinh thiệt mạng; một nữ sinh quỳ lê lết ngoài cửa lớp chỉ vì mua một cái bánh ngọt không đúng ý cô chủ nhiệm; một thầy giáo xưng “mày - tao” và miệt thị học sinh bằng lời lẽ phản giáo dục… Liên tiếp những vụ việc xảy ra cùng lúc với câu chuyện lạm thu đầu năm học đang mỗi ngày một nóng hơn khiến dư luận không khỏi bất an về chốn học đường.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại - người làm giáo dục thực nghiệm với một triết lý giáo dục duy nhất: Mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Sau này, khẩu hiệu này phổ biến ở nhiều trường học, nhưng không phải lúc nào và ở đâu với trẻ em mỗi ngày đến trường cũng là một ngày vui.
Còn một nhà sư phạm khác đã nói rằng: Trường học và gia đình là hai “thành lũy cuối cùng” bảo đảm an toàn cho các em trong một xã hội dù có nhiều tác động trái chiều. Các em phải được tận hưởng hạnh phúc ấy để sau này đến lượt mình, các em sẽ lo cho hạnh phúc của thế hệ sau.
Sẽ thế nào nếu mỗi ngày đưa con đến trường lại phấp phỏng một nỗi bất an. Trong khi đáng lẽ, sau gia đình, đó phải là nơi an toàn nhất cho trẻ em. “Thành luỹ cuối cùng” để đảm bảo an toàn cho trẻ em lại là nơi đang tiềm ẩn bạo lực học đường, những đứa trẻ xông vào đánh bạn một cách man rợ trong khi những em khác thay vì đi gọi người lớn can thiệp lại đã đứng xem và quay clip. “Thành luỹ cuối cùng” lại trở thành nơi trẻ có thể gặp tai nạn giao thông ngay ở sân trường. “Thành luỹ cuối cùng” lại tiềm ẩn khả năng các em bị ngược đãi cả về thể xác và tinh thần, nhẹ là tát, là lấy thước, lấy roi vụt; mà nặng là bắt quỳ phạt cả tiếng rồi lôi lê lết, là bóp cằm, xưng mày - tao...
Sở dĩ xếp việc bị ngược đãi thể xác nhẹ hơn ngược đãi tinh thần là bởi vì vết hằn tinh thần trong lòng những đứa trẻ đang tuổi lớn sẽ lâu lành hơn rất nhiều so với nỗi đau thể xác. Một tâm hồn rách nát ký ức học đường, rồi lớn lên làm thế nào để có thể không méo mó?
Chúng ta không thể hình dung chốn học đường tồn tại những cảnh này. Tôi là người luôn cho rằng nếu xã hội cứ bêu xấu hành vi của thầy cô, thì trong nhà trường học sinh khó còn có thể kính trọng thầy cô. Nên nếu chẳng may thầy cô có hành vi xấu, tôi không tán thành việc cả xã hội xông vào mạt sát cả nghề giáo nói chung. Nhưng nếu đặt mình ở vị trí cha mẹ học sinh, sự bất an luôn luôn là có thật.
Có thể những vụ việc như bắt phạt hay xúc phạm học sinh còn khó lý giải vì có những vấn đề về tâm lý và phương pháp giáo dục, nhưng vụ việc một cô giáo lùi xe trong sân trường đã đâm tử vong một học sinh lại cho thấy sự bất cẩn về đảm bảo an toàn trường học là không thể chấp nhận.
Vì sao người ta có thể để một người điều khiển xe ô tô lùi vào cả trong sân trường vào giờ tan học? Còn có thể hình dung vô vàn nguy hiểm khác có thể đến với học sinh nếu cổng trường không được vận hành để đảm bảo cho các em sẽ an toàn.
Trên thế giới, có những trường phái khác nhau về giáo dục. Trong đó, nhà giáo dục lỗi lạc người Nga A.Makarenko chủ trương triết lý giáo dục nghiêm khắc. Thậm chí ông còn khuyên các nhà sư phạm phải biết “nhẫn tâm”. Nhưng có lẽ, triết lý giáo dục của Makarenko về nghiêm khắc không có nghĩa là xúc phạm và mạt sát học sinh. “Nhẫn tâm” của Makarenko là phải có bản lĩnh trong giáo dục chứ không phải “nhẫn tâm” là hà khắc, đánh mắng hoặc buông lơi, thả lỏng… “Giáo dục trẻ đòi hỏi lời nói nghiêm túc nhất, đơn giản nhất và thành thật nhất” - đó là 3 yêu cầu mà Makarenko đặt ra trong việc giáo dục trẻ.
Giáo dục là việc rất khó khi sản phẩm của giáo dục là con người. Mục tiêu của một đứa trẻ đến trường đâu phải chỉ để học kiến thức. Bởi vậy trước hết nhà trường phải là nơi đảm bảo an toàn cho các em để mỗi ngày đưa con đến trường không phải lo lắng, để các em đến lớp trong tâm thế vui tươi chứ không phải nơm nớp lo sợ bị thầy cô đánh mắng, xúc phạm. Nhà trường an toàn và thân thiện phải là nơi các em được đảm bảo an toàn về thân thể và phát triển tinh thần lành mạnh.
Chúng ta nói nhiều về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Và đôi khi đao to búa lớn về những kỹ năng lạc trong rừng hay gặp nguy hiểm ở đâu đó. Nhưng dạy kỹ năng sống cho học sinh thì mong sao điều đầu tiên các em phải học, phải áp dụng lại không phải là làm thế nào để tự bảo vệ bản thân an toàn trong trường học hay đối phó với thầy cô thế nào khi bị xúc phạm.