Giá trị của sách văn học

PHƯƠNG HÀ 08/10/2023 11:11

Sách văn học có vẻ không còn được nhiều người đọc ưu ái, người đi mua sách có thể bị cảm giác đó khi vào các cửa hàng sách ở Đinh Lễ - phố sách của Hà Nội, hoặc nhiều cửa hàng sách lớn khác. Có người cực đoan còn từ chối đọc sách văn học vì muốn dành thời gian tập trung vào những cuốn sách kiến thức, sách công cụ, sách kỹ năng hoặc sách dạy làm giàu.

Đọc sách văn học hướng con người tới giá trị nhân văn.

Sách văn học không mang lại giá trị thực tiễn?

Những người đọc nhiều sách văn học thường được nhìn nhận là những người mơ mộng,thiếu thực tế. Nếu so với những quyển sách chuyên ngành, sách lịch sử, văn hóa ngồn ngộn thông tin, thì quả thực sách văn học rất lép vế về mặt cung cấp những giá trị thông tin hiện thực.

Để tìm câu trả lời cho giá trị định lượng của sách văn học, một số nhà khoa học đã vào cuộc. Các giáo sư tâm lý học ở Trường Đại học York và Toronto (Canada) đã tìm ra những bằng chứng để chứng minh rằng: Đọc sách văn học thực sự giúp con người trở nên thông minh và tốt tính hơn. Những nghiên cứu cho thấy những người hay đọc sách văn học thường có khả năng thấu hiểu, cảm thông và nhìn nhận sự việc từ nhiều góc độ. Ngược lại, những cá nhân có khả năng cảm nhận tốt cũng thường lựa chọn sách văn học để đọc.

Sau khi đã tìm thấy mối liên hệ hai chiều ở đối tượng độc giả là người lớn, các nhà nghiên cứu tiếp tục tiến hành với trẻ nhỏ và nhận thấy những trẻ đọc nhiều truyện thường có cách ứng xử ôn hòa, thân thiện hơn.

Việc chìm đắm vào một nội dung văn học chứa đựng nhiều yếu tố cảm xúc, đạo đức, thẩm mỹ… giúp não xử lý nhiều ngôn từ đa dạng, những hình dung, ẩn dụ… Bằng cách này, não như được “tập dượt” trước những tình huống và một khi sự việc tương tự diễn ra trong cuộc sống, vùng nhận thức ở não sẽ ngay lập tức được kích hoạt dựa trên những gì đã “tập dượt”.

Trước tình huống mà nhân vật văn học gặp phải, người đọc sẽ bước vào nội tâm nhân vật để phán đoán, nhận định, đưa ra lý giải, cách xử lý… Những điều này giúp gia tăng khả năng thấu hiểu, cảm thông, xử lý vấn đề trong cuộc sống thực.

Luyện tập cho bộ não khỏe mạnh

Nghiên cứu trong lĩnh vực nhận thức, tâm lý và thần kinh, các nhà nghiên cứu nhận thấy việc “đọc sâu sắc” - đọc chậm, chìm đắm, rung cảm trước những gì đang đọc - là một trải nghiệm đặc biệt. Việc đọc những nội dung thông tin đơn thuần không thể đưa lại sự lôi cuốn và cảm giác thỏa mãn.

Theo GS. TS Lê Ngọc Trà, tác phẩm văn học tự nó đã chứa đựng một hàm lượng giá trị rất cao, vì nó không chỉ là nhận thức mà còn gắn với cách cảm nhận, cách nhìn, với thái độ, với sự yêu ghét hay với cách ứng xử.

Văn chương là nơi cư ngụ của tinh thần. “Những gì vang lên trong lời nói là những dấu hiệu của nội dung tâm hồn, còn những điều mà chúng ta mô tả là dấu hiệu của những gì đã vang lên trong lời nói” (Aristotle). Khi đọc một tác phẩm văn học, người đọc không chỉ đọc nội dung mà còn đọc “thẩm mỹ”, nhắm tới việc hiểu những gì được diễn đạt bằng từ ngữ, nhưng chủ yếu hướng tới cái chúng ta đang trải nghiệm, suy nghĩ và rung cảm trong quá trình đọc.

Bản chất của cách đọc “thẩm mỹ” là sự giao thoa giữa người đọc và tác phẩm. L.Rosenblatt - nhà sư phạm Ngữ văn Hoa Kỳ cho rằng, đọc như sự giao thoa giữa tác phẩm và người đọc không phải là tương tác của hai thực thể đã hoàn chỉnh, tồn tại độc lập và tách rời nhau, mà là mối quan hệ tương hỗ, cùng quy định lẫn nhau, bổ sung cho nhau, cùng được hình thành, thay đổi và phát triển trong quá trình đọc. Nhờ đọc, tác phẩm, từ cuốn sách sẽ trở thành văn bản và nhờ đọc, người đọc cũng sẽ tự làm bản thân mình phong phú hơn, không chỉ về kiến thức mà còn về đời sống tinh thần, về những phẩm chất giá trị.

Trong cuốn sách “Why Literature” của C.Bruns xuất bản gần đây, tác giả cũng đưa ra hai cách đọc: đọc “đắm chìm vào” và đọc “tư duy”. Cách đọc “tư duy” là cách đọc đứng ngoài tác phẩm, đứng xa ra, tập trung vào phân tích và diễn giải, vào hiểu văn bản. Cách đọc “đắm chìm vào” là cách đọc chìm vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm để “sống” trong một “không gian trung chuyển” và “kiến tạo từ văn bản một thế giới”. Cách đọc “tư duy” mang tính chất hỗ trợ. Cách đọc “đắm chìm vào” mới là cách đọc đặc trưng của đọc văn học.

Khi đọc một tác phẩm văn học, người đọc trải nghiệm và suy nghĩ, liên tưởng, tưởng tượng, rung động với những cảm xúc mà tác giả tạo ra. “Cái cốt yếu nhất trong tác phẩm nghệ thuật - L.Tolstoi viết - đó là tâm hồn của tác giả”.

Những người yêu thích việc đọc có khả năng tập trung cao độ, nhạy cảm với ngôn từ, có thể bước vào một trạng thái hưng phấn đặc biệt - say mê, mê mải đọc. Khi rơi vào trạng thái hưng phấn này, người ta sẽ đọc chậm lại để não bộ có thời gian làm giàu cho những con chữ bằng hình ảnh, phân tích, lưu giữ ký ức, đưa ra nhận định…

Lúc này, não bộ sẽ hình thành nên mối quan hệ thân thiết giữa người đọc và tác giả, tác phẩm, nhân vật… Những rung cảm lúc này diễn ra đa dạng, phong phú, thậm chí nếu lên tới cao trào, có thể khiến người đọc cảm thấy như đã yêu tác giả hoặc phải lòng nhân vật.

Lập diễn đàn trao đổi về sách

“Văn học là nhân học” - văn chương là khoa học về con người. Đọc sách văn học là một cách làm giàu cho bản thân về tri thức, ngôn ngữ, và quan trọng là tăng khả năng rung động, xúc cảm, hướng con người tới các giá trị nhân văn là lòng nhân ái, khoan dung, thấu hiểu, lương tri.

Trên Facebook, những người yêu thích văn học cổ điển ở Việt Nam đã lập ra nhóm Hội yêu thích tác phẩm văn học kinh điển. Nhóm có gần 63 ngàn thành viên thường chia sẻ, giới thiệu cho nhau những tác phẩm văn học giá trị, với những bài review sách chi tiết và hấp dẫn.

Những người mới đọc sách văn học cổ điển có thể đọc được nhiều thông tin hay trên diễn đàn này và tìm cho mình những quyển sách giá trị theo chỉ dẫn của các thành viên, bên cạnh đó cũng có thể được chia sẻ sách hay. Các thành viên trong nhóm chia sẻ với nhau cả sách giấy hay sách điện tử.

Sách văn học, với những giá trị to lớn về mặt tinh thần của nó, nên được coi trọng.

Các giáo sư tâm lý học ở trường Đại học York và Toronto (Canada) đã tìm ra những bằng chứng để chứng minh rằng: Đọc sách văn học thực sự giúp con người trở nên thông minh và tốt tính hơn. Những nghiên cứu cho thấy những người hay đọc sách văn học thường có khả năng thấu hiểu, cảm thông và nhìn nhận sự việc từ nhiều góc độ. Ngược lại, những cá nhân có khả năng cảm nhận tốt cũng thường lựa chọn sách văn học để đọc. Sau khi đã tìm thấy mối liên hệ hai chiều ở đối tượng độc giả là người lớn, các nhà nghiên cứu tiếp tục tiến hành với trẻ nhỏ và nhận thấy những trẻ đọc nhiều truyện thường có cách ứng xử ôn hòa, thân thiện hơn.

Việc chìm đắm vào một nội dung văn học chứa đựng nhiều yếu tố cảm xúc, đạo đức, thẩm mỹ… giúp não xử lý nhiều ngôn từ đa dạng, những hình dung, ẩn dụ… Trước tình huống mà nhân vật văn học gặp phải, người đọc sẽ bước vào nội tâm nhân vật để phán đoán, nhận định, đưa ra lý giải, cách xử lý… Những điều này giúp gia tăng khả năng thấu hiểu, cảm thông, xử lý vấn đề trong cuộc sống thực.

PHƯƠNG HÀ